Ông Đặng Văn Thành: “Ngân hàng vẫn nằm trong máu tôi”

Gần đây cái tên Đặng Văn Thành được báo giới nhắc tới với tần suất đặc biệt cao khi có tin đồn ông sẽ quay trở lại Sacombank sau khi kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. PV đã đi tìm câu trả lời này từ chính ông. Và câu chuyện không chỉ dừng ở đó.

Rời Sacombank, đứa con do chính mình khai sinh đã 5 năm, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công khẳng định, nghề ngân hàng vẫn còn nằm trong máu và ông không giấu giếm ý định sẽ quay lại ngành này vào một thời điểm thích hợp.

Việt Nam có điện sạch, có bò Kobe là tôi thắng

- Ông có thể cho biết những lĩnh vực cốt lõi mà Thành Thành Công (TTC) hiện đang kinh doanh?

Thành Thành Công tham gia 5 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, đó là bất động sản, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục và du lịch với 26 công ty thành viên và liên kết.

Mới đây hãng tin Bloomberg cho biết, Thành Thành Công đang có kế hoạch chi 1 tỷ USD cho dự án năng lượng mặt trời. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch?

Ngay từ đầu, tiêu chí của Thành Thành Công là đầu tư vào năng lượng sạch. TTC không chỉ có năng lực ở lĩnh vực điện mặt trời mà còn ở mảng điện gió và thủy điện. Đến năm 2019, TTC sẽ hoàn thành khoảng 1.000 MW điện mặt trời.

Hiện chúng tôi đã có giấy phép đầu tư 1 dự án điện gió ở Bến Tre, khoảng 50 MW. Tại khu vực đó, chúng tôi có thể phát triển lên 300 MW. Một đối tác cũng đang đàm phán và đề nghị chúng tôi mua lại 51% cổ phần tại dự án điện gió có công suất 40 MW ở Ninh Thuận. Trên cơ sở dự án đó, chúng tôi có thể mở rộng rất dễ. Mỗi trụ gió trong khu vực đó có thể nâng lên được từ 2 - 6 MW.

Chiến lược của TTC trong giai đoạn 2017 - 2020 là tập trung vào điện mặt trời, giai đoạn sau sẽ tập trung vào điện gió. Song song đó, TTC cũng thực hiện chiến lược M&A các dự án thủy điện nếu đạt được các tiêu chí về môi trường và tỷ suất sinh lợi.

Cuối năm nay chúng tôi sẽ làm một dự án thủy điện ở Alin - Huế, công suất 48 MW. Với các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, việc xây dựng sẽ rất nhanh, vấn đề là ở chỗ tìm được địa điểm phù hợp, dễ dàng kết nối với hệ thống truyền tải điện. Bản thân tôi đã cùng các cán bộ trong ngành năng lượng của TTC sang Thái Lan học tập, nghiên cứu công nghệ và thấy họ làm rất nhanh và hiệu quả.

Kỳ vọng lớn nhất của tôi khi đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, điện gió đó là Việt Nam có điện sạch. Đây là điều khiến tôi thấy mình thắng. Như bò Kobe cũng vậy, Việt Nam có bò Kobe là tôi thắng. Nói một cách thẳng thắn, nếu để tự mình tích lũy tư bản thì với mục tiêu phát triển 1.000 MW điện mặt trời đối với TTC là rất khó. Trước đây suất đầu tư 1 MW cũng cả triệu USD, đến giờ con số này cũng vào khoảng 600.000-700.000 USD.

- Nói về bò Kobe, cách đây mấy năm TTC có nói đến dự án nuôi bò Kobe ở Lâm Đồng, thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy sản phẩm bò Kobe ra thị trường. Dự án này triển khai tới đâu rồi, thưa ông?

Dự án này chúng tôi tham gia 25% cổ phần, Công ty Kềm Nghĩa 25% và 50% là công ty của Nhật Bản. Phía Nhật Bản phụ trách về kỹ thuật, chúng ta hỗ trợ họ trong vấn đề tiêu thụ cũng như điều hành. Sản phẩm đã có mặt trên thị trường gần 1 năm nay, nhưng rất ít.

Mục tiêu khi chúng tôi làm việc cùng với Nhật Bản là đưa được bò Kobe về Việt Nam. Đây là thắng lợi của TTC và Kềm Nghĩa, bởi tính đến giờ, Việt Nam là nước thứ 7 sở hữu bò Kobe. Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ thuật nuôi với số lượng lớn, hiện tại cũng chỉ dừng lại ở góc độ thử nghiệm. Sản phẩm đã có hồi đầu năm 2017, nhưng chủ yếu là tiêu thụ ở Lâm Đồng, với một vài địa chỉ đặt hàng. Sản lượng bò Kobe không lớn, hai tuần mới cho ra một con bò.

- Năm nào các doanh nghiệp mía đường Việt Nam cũng than rằng, đường Thái Lan nhập lậu về Việt Nam rất rẻ, các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được. TTC có hướng đi như thế nào để tăng sức cạnh tranh không, thưa ông?

Cái gốc ở đây chính là giá thành. Nếu đường chúng ta làm ra có giá thành bằng đường Thái thì chắc chắn người tiêu dùng Việt Nam sẽ không dùng đường Thái. Hiện tại do rất nhiều yếu tố, đường Thái chính ngạch không vào Việt Nam mà đường Thái nhập lậu thì vào Việt Nam nhiều. Hệ thống quota của Thái Lan khuyến khích việc đường nhập lậu vào Việt Nam.

Chúng tôi đã làm việc với các đồng nghiệp, phân tích cơ cấu chi phí của đường Thái Lan để có những so sánh. Nếu mở cửa một cách minh bạch, công bằng theo Hiệp định ATIGA hay là WTO thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt, có sản phẩm tốt, chúng ta vẫn phát triển. Để giải bài toán này, nông nghiệp vẫn là cái gốc. Làm sao để chi phí nông nghiệp của mình bằng Thái Lan. TTC đã nỗ lực và đang nỗ lực hết sức mình để san bằng khoảng cách này.

Công tác chuẩn bị của TTC, đặc biệt là vùng nguyên liệu với những cánh đồng lớn theo nguyên tắc hạn điền của Việt Nam, chúng tôi đã làm rất tốt. Có thể qua năm 2018 - 2019 giá thành đường của TTC sẽ tiếp cận được với giá thành của Thái Lan.

Quan tâm M&A

- Trong lĩnh vực du lịch, TTC có kế hoạch M&A để mở rộng hệ thống khách sạn hay không, thưa ông?

Hiện nay mảng bất động sản du lịch của TTC bao gồm 8 khách sạn từ 2-4 sao rải đều ở TP.HCM, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang.

Tôi rất quan tâm tới hoạt động M&A, vì đây là phương pháp giúp đốt cháy giai đoạn, tạo ra phát triển nhanh. Khoảng 4 tháng trước chúng tôi đã M&A thành công một khách sạn ở Bàu Trúc (Ninh Thuận) gồm 80 phòng và đang có kế hoạch mở rộng lên khoảng 100 phòng vào năm 2018.

Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và có thể sẽ M&A thêm những khách sạn ở khu vực Huế, Hội An… Đây là những trung tâm du lịch. TTC đang phấn đấu đến năm 2020 phải có mặt ở hầu hết các trung tâm du lịch để hoàn thành chuỗi về kinh doanh du lịch. Phải đạt được các chuỗi thì mới nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh M&A, chúng tôi sẽ hợp tác đầu tư cùng với các đối tác để xây dựng. Hiện chúng tôi đang xây dựng khách sạn ở khu Vịnh Đầm (Phú Quốc) và Nha Trang. Nếu không có gì thay đổi, trong năm nay chúng tôi sẽ khởi công dự án 200 phòng khách sạn ở khu vực Dốc Lết (Khánh Hòa). Với vốn đầu tư trên 10 triệu USD, TTC sẽ biến Dốc Lết thành một khu resort 4 sao.

Chúng tôi cũng tiếp nhận một hệ thống khách sạn tại Siêm Riệp (Campuchia). Chiến lược của TTC là hiện diện tại những thành phố trọng điểm trong khu vực kết nối các khách sạn thành chuỗi.

Lĩnh vực thứ hai là khu vui chơi. Những khu du lịch nổi tiếng như Thung lĩnh tình yêu, Đồi Mộng Mơ, Dốc Lết… là những địa điểm mà TTC có sở hữu khu vui chơi. Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư để biến những nơi này thành những điểm du lịch hấp dẫn không chỉ trong nước mà cả khu vực. Chúng tôi sẽ đầu tư khoảng trên 50 triệu USD cho quần thể Thung lũng tình yêu, Đồi Mộng Mơ, Đồi Thống Nhất – biến quần thể du lịch tại Đà Lạt này thành một địa điểm du lịch mang tầm vóc khu vực.

- Được biết TTC vừa hợp tác với một đối tác Nhật Bản để mở hệ thống giáo dục thể chất mầm non. Kế hoạch của TTC thời gian tới là gì, thưa ông?

Với mảng giáo dục, chúng tôi đầu tư từ mẫu giáo đến đại học. Chúng tôi rất coi trọng nền giáo dục của Nhật Bản. Vừa qua, TTC mới hợp tác với Takasago để đưa giáo dục thể chất Nhật Bản về Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh ở khu vực TP.HCM. Trong tháng 7 này, chúng tôi sẽ mở rộng đến các trường ở Đồng Nai, sắp tới là khu vực Bến Tre, Đồng Tháp…

Trong mảng giáo dục, TTC đề cao việc hội nhập và coi trọng việc làm sao để các em học sinh có thể tự tin trong môi trường quốc tế. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với nhiều đối tác để chọn một số đối tác phù hợp với tiêu chí giáo dục của Việt Nam và phù hợp với mục tiêu của TTC là hướng tới nền giáo dục hội nhập.

Sẽ quay trở lại ngân hàng vào thời điểm thích hợp

- Thời gian gần đây có rất nhiều thông tin cho rằng, ông sẽ quay trở lại ngành ngân hàng. Xin ông xác nhận về những thông tin này?

Cách đây vài năm có người cũng hỏi tôi về việc quay trở lại lĩnh vực ngân hàng. Tôi vẫn không hề giấu giếm ý định này, nhưng tôi chỉ trở lại vào một thời điểm thích hợp, khi tôi cảm thấy hưng phấn nhất. Bởi nói gì thì nói, ngân hàng vẫn là ngành còn nằm trong máu, tôi vẫn còn yêu và mê nghề này.

Tôi rời ngành ngân hàng đến nay cũng gần 5 năm rồi. Từ một tổ chức tôi và các anh em sáng lập ra, sau thời gian khó khăn thì có vấn đề là phải tái cấu trúc lại. Là một trong những người sáng lập ra Sacombank, thực sự tôi cảm thấy nhức nhối và thấy rằng, mình cũng có trách nhiệm phải quan tâm.

Tôi cho rằng, việc M&A không chuyên nghiệp hồi 5 năm trước đã đẩy Sacombank vào tình thế phải tái cấu trúc như bây giờ. Bản thân Sacombank cũng đang cần nhóm nào đó, tổ chức nào đó tham gia vào để tái cấu trúc lại.

Với tư cách là một trong những người sáng lập và đồng hành cùng Sacombank suốt 20 năm, bản thân tôi cũng đã làm việc với một số tổ chức, định chế tài chính nước ngoài về vấn đề tái cấu trúc Sacombank. Tôi đi suốt, từ Singapore đến Hồng Kong… thậm chí đi Mỹ gặp đối tác để trao đổi với họ thông tin và phương án tái cấu trúc ngân hàng. Chúng tôi cũng bàn nhiều và đưa ra 3 nguyên tắc khi mời đối tác tham gia vào quá trình tái cấu trúc Sacombank. Thứ nhất: phải có tiền tươi thóc thật. Thứ hai: phải được cơ quản lý nhà nước đồng ý.

Thứ ba: người tham gia phải là người quan tâm, yêu nghề này thì mới có tính khả thi cao. Tôi đặt điều kiện, khi tham gia tái cấu trúc Sacombank, tối thiểu phải tăng vốn ngân hàng lên trên 1 tỷ USD. Nếu ai trong nước mà đủ điều kiện thì tôi nghĩ đây là một điều tốt cho Sacombank và tôi hoàn toàn ủng hộ.

- Bí quyết điều hành tập đoàn đa ngành của ông là gì?

Xã hội đã có sự phân công, người thì làm khoa học, người thì làm giáo dục, người làm công tác chuyên môn… trong đó có những doanh nhân. Đã là doanh nhân thì ngành nào cũng có ba công đoạn: đầu vào, sản xuất và đầu ra. Một doanh nhân muốn điều hành một doanh nghiệp tốt thì quản trị phải minh bạch, kiểm soát phải có trách nhiệm, điều hành phải chuyên nghiệp. Làm tốt những điều này thì dù quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video