Ông Đặng Văn Thành: “Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết”
“Doanh nhân- chiến sĩ thời bình không được phép thất bại, vì thân bại thì danh liệt. Phải điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”.
Để phát huy khả năng làm việc theo nhóm, theo ông Thành, lãnh đạo không nên làm việc một mình, phải tin vào bộ máy. Phải có nghệ thuật tạo sinh khí làm việc thân thiện, hiệu quả, đoàn kết nội bộ. Mình là chủ doanh nghiệp, phải truyền đạt đến toàn thể cán bộ công nhân viên biết chiến lược của công ty, cho họ thấy “Ngày sao nhanh quá, năm sao chậm quá” để họ yên tâm, gắn bó với công ty, không bị sao lãng bởi đối thủ, tự hào đứng trong tổ chức lớn, gìn giữ vun đắp nó. Chiến lược phát triển đâu cần bảo mật, hãy để cho nhân viên hiểu và tự hào với chiến lược đó.
Để cùng lớn mạnh và trưởng thành với công ty, hơn ai hết người lãnh đạo phải tự hoàn thiện bản thân. Ông Thành chia sẻ: “làm lãnh đạo thì lời nói và hành động phải chuẩn mực, gương mẫu trong công việc lẫn trong cuộc sống. Vị tha nhưng không dễ dãi đối với cán bộ công nhân viên, gần gũi nhưng không xuề xòa. Có tinh thần cầu tiến, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo. Suy nghĩ và hành động hệ thống, phát huy thời gian biểu cá nhân. Người lãnh đạo phải thấy mình yếu chỗ nào để bổ khuyết. Con người không bao giờ là hoàn thiện cả, phải lấy kinh nghiệm của mình cộng với sức bật của người trẻ, sẽ tạo cho mình hoàn thiện. Cán bộ Sacombank 80% do tôi đào tạo hết. Họ góp ý mình nghe, còn quyết là mình. Nếu mình tự tin, chuyên nghiệp, ai giật dây được mình”.
Theo ông Thành, người lãnh đạo giỏi phải là hạt nhân của những người tài, biết khơi gợi tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên. Trau dồi khả năng hùng biện qua việc đọc sách. Một ngày đọc tối đa 2 tờ báo và tham khảo sách: “Nguyễn Hiến Lê là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, để tập thói quen lắng nghe và thói quen khái quát, có kỹ thuật truyền lửa, hùng biện. Cái này có thể học được”, ông Thành nói.
“Những doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia không được ăn xổi ở thì. Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu. Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết. Nhận diện thương hiệu đòi hỏi giá trị thương hiệu. Tôi khái niệm về quảng cáo khác người ta, phải nhồi đi nhồi lại, nhắc tới nhắc lui để người ta nhớ về mình. Còn PR là người ta nói về mình. Dục tốc bất đạt, phải tự tin nuôi dưỡng, vun đắp cho thương hiệu. Nhớ là đừng vội. Thương hiệu không phải của mình đâu, mà của đất nước Việt Nam”, ông Thành kết luận.