OECD hạ dự báo GDP Việt Nam năm 2017, nâng dự báo với 4 nước ASEAN khác
Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016, OECD dự báo các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn.
Báo cáo này, được công bố ngày 14/6, cho thấy dù Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu các nước ASEAN-5 về tăng trưởng GDP trong năm nay và năm tới, nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại trong khi các nền kinh tế khác sẽ mạnh lên.
Cụ thể, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm từ 6,7% năm 2015 xuống còn 6,3% năm 2016 và 6,1% năm 2017.
Trong số các nền kinh tế khác thuộc nhóm ASEAN-5, OECD nâng dự báo tăng trưởng của Indonesia từ mức dự kiến 5,2% năm nay lên 5,9% năm tới, Malaysia từ 4,6% lên 4,8%, Philippin từ 6% lên 6,1% và Thái Lan từ 3,3% lên 3,6%.
OECD cho biết bất chấp kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ, các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn dù ở mức vừa phải. Nhu cầu nội địa nói chung vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của khu vực này.
Tăng trưởng GDP thực tế ở khu vực Châu Á đang phát triển dự kiến sẽ vẫn ở mức cao là 6,4% trong năm 2016 và 6,3% năm 2017.
Trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng của cả khối ASEAN (gồm 10 nước) dự kiến đạt mức bình quân 4,9%, của Ấn Độ đạt 7,4%, còn Trung Quốc đạt 6,5%.
Các nước tại ASEAN sẽ có sự ưu tiên chính sách khác nhau do những thách thức ở cả trong và ngoài nước. Indonesia và Thailand sẽ đầu tư vào phát triển nông thôn và giáo dục để làm giảm sự bất bình đẳng và thúc đẩy đầu tư, còn Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Các nước Malaysia và Singapore đang củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi Philippin lại đang tập trung vào tạo công ăn việc làm và cải cách thể chế, còn Campuchia đã công bố chiến lược thúc đẩy nông nghiệp và du lịch. Lào sẽ tiếp tục phát triển ngành năng lượng để tăng cường xuất khẩu điện.
Theo NDH