Nóng bỏng cuộc đua vào sân bay, cảng biển
Chủ trương kêu gọi đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông, vận tải đã giúp cho việc cổ phần hóa các cảng hàng không, cảng biển và đường sắt… trở nên sôi động hơn. Có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đã bày tỏ tham vọng được tham gia đầu tư vào lĩnh vực này và điều đó sẽ tác động nhất định đến ngành vận tải, logistics Việt Nam.
Cạnh tranh quyết liệt
Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế có hạn, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông đang ngày càng tăng lên, việc thu hút đầu tư tư nhân vào sân bay, cảng biển và đường sắt…là cần thiết để có thêm nguồn lực cho phát triển. Thời gian qua, sản lượng hàng hóa qua cảng liên tục sụt giảm sâu, song việc Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho mua lại 100% cổ phần Nhà nước tại cảng Quảng Ninh, và việc Tập đoàn T&T hoàn tất thương vụ này được xem là “món hời”.
Đối với hai cảng có quy mô lớn nhất cả nước là cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn, cuộc đua cũng không kém phần quyết liệt. Tập đoàn VinGroup sau khi mua được gần 35% cổ phần cảng Nha Trang, đã tiếp tục bày tỏ tham vọng muốn được mua lại 80% cổ phần của cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, với lượng bán ra chỉ 16,5% cảng Sài Gòn, VinGroup đã chính thức rút khỏi thương vụ này, chỉ còn lại hai nhà đầu tư chiến lược là VietinBank và VP Bank. Còn trong thương vụ cảng Hải Phòng, có cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Công ty Cổ phần đầu tư Việt Nam – Oman.
Ngay từ khi Chính phủ đồng ý thoái vốn tại các cảng biển khi tiến hành cổ phần hóa, theo đó Nhà nước chỉ cần nắm giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, rất nhiều đại gia nhảy vào lĩnh vực này.Không chỉ cảng biển, các lĩnh vực khác cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Sau khi sở hữu cảng Quảng Ninh và đưa ra đề xuất mua sân bay Phú Quốc, Tập đoàn T&T cũng đã gửi đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải để xin đầu tư vào ga Hà Nội.Trong khi đó, một đại gia khác là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cũng đã chính thức bày tỏ mong muốn đầu tư vào sân bay Phú Quốc.
Cũng trong lĩnh vực hàng không, sân bay Cam Ranh là địa chỉ thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, khi đã có tới hơn 12 nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia vào dự án sân bay này, trong đó có các doanh nghiệp hàng không và dịch vụ hàng không như VietJet, Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS); Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt…
Trong lĩnh vực đường sắt, hoạt động đầu tư tư nhân cũng đang được đốt “nóng” khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Indo Trans Logistics (ITL) ký hợp đồng triển khai dự án tại ga Yên Viên. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang “trải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư vào các bãi hàng đường sắt tại Lào Cai, Lạng Sơn và Sóng Thần (Bình Dương).Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện có tới 17 nhóm dự án đường sắt đang kêu gọi đầu tư, càng khiến cho “cuộc đua” đường sắt càng thêm sôi động.
Ở góc độ phát triển của ngành logistics Việt Nam, thì xu hướng đầu tư này sẽ có tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành, nếu các nhà đầu tư thực sự “nói thật” và “làm thật”. Đặc biệt khi hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng lực cho doanh nghiệp logistics, mà còn giúp giảm chi phí logistics, vốn đang chiếm tới 25% GDP của Việt Nam.
Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam cho rằng sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tư nhân vào hệ thống vận tải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành logistics, đặc biệttrong bối cảnh có đến 80% thị phần logistics Việt Nam đang rơi vào tay khối ngoại.“Ngành nào độc quyền thì chất lượng dịch vụ không được cải thiện và giá cả không cạnh tranh. Do đó, nên khuyến khích làn sóng đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực hạ tầng và logistics để tăng cạnh tranh cho ngành”, ông Hiền cho hay.
Đối với ngành đường sắt, đây vốn là lĩnh vực ít có thế mạnh nhất trong chuỗi logistics Việt Nam, khi nhu cầu trung chuyển hàng hóa qua hệ thống này đạt tỷ lệ khá thấp. Tuy nhiên, với hàng loạt các dự án đường sắt đang được các nhà đầu tư triển khai, đang đặt ra kỳ vọng sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của các cảng biển, cảng sông ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương.Một chuyên gia trong ngành đánh giá: Hoạt động này giúp thay đổi cách thức bốc dỡ, quản lý hàng hóa, tạo cú hích cho hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường sắt phát triển.
Tiềm năng lớn, rủi ro cao!
Logistics được xem là ngành rộng và có nhiều tiềm năng để khai thác do các vị trí cảng biển, nhà ga, sân bay đều nằm vị trí chiến lược, đắc địa. Cho nên, ngoài khai thác kinh tế, gia tăng lợi nhuận, nhiều tập đoàn còn nhắm đến tham vọng là phát triển các dự án bất động sản để tạo giá trị gia tăng lớn hơn. Điều này, được nhiều chuyên gia khuyến cáo, cần rất thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng, khi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Việc đầu tư vào cảng biển đang ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, khi kinh doanh cảng biển đem lại tỷ suất lợi nhuận trung bình là 14%. Đặc biệt khi hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh trong hai năm gần đây đã góp phần giúp sản lượng hàng hóa qua cảng có mức tăng trưởng trung bình 11,2%/năm.Tuy nhiên, không phải lúc nào đầu tư vào cảng biển lại trở thành món hời lớn cho các doanh nghiệp. Thực tế là có không ít nhà đầu tư đã rót không ít tiền của vào cuộc chơi này, song lại bị “mắc cạn”, gặp nhiều khó khăn khi kinh doanh không hiệu quảhoặc thậm chí là bị thua lỗ.
Trong mấy năm qua, khi kinh tế gặp khó khăn, rất nhiều nhà đầu tư vào cảng biển chịu cảnh thua lỗ, đặc biệt là quốc tế tại cảng Cái Mép – Thị Vải đang “lỗ nặng”. Trước đây, dự báo hàng hóa về đây rất là lớn, nhưng hiện nay đang dư công suất khi cảng này chỉ chạy được khoảng 20% công suất. Nhà đầu tư gặp rủi ro về dự báo sản lượng nhu cầu, nên đang lỗ to, dù đầu tư rất lớn; chẳng hạn Công ty Cổ phần Gemadept đã đầu tư và khai thác rất nhiều cảng như: Cảng Phước Long (PIP), Cảng Bình Dương, Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất, Cảng Nam Hải và Cảng Nam Hải Đình Vũ…Gemadept cũng đang “mắc kẹt” với cảng Cái Mép Vũng Tàu, khi đầu tư ở vị trí không được thuận lợi, do sóng lớn, xa với khu công nghiệp, nên tỷ suất xây dựng sẽ rất cao, hiệu quảkhai thác cảng kém.
Một đơn vị khác là Tân Cảng Hiệp Phước cũng “mắc cạn” với cảng Hiệp Phước. Để khơi thông hoạt động vận chuyển hàng hóa tại đây, dự án nạo vét luồng Soài Rạp đã được thực hiện song vẫn không thể thực hiện được do địa hình sông cạn, tàu bè không qua lại được. Dự án này đã ngốn hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp này do thua lỗ.Với lưu lượng hàng hóa vận chuyển ngày càng gia tăng, hoạt động logistics được đánh giá là có nhiều tiềm năng, đầu tư cảng biển đang mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những rủi ro trong việc lựa chọn vị trí, rủi ro từ chính sách cũng đang đặt ra không ít thách thức cho các nhà đầu tư.
Thanh Giang