Nhật Bản mở cửa với 10.000 điều dưỡng viên người Việt
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tuyển 10.000 y tá điều dưỡng từ Việt Nam trước mùa hè 2020 nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động của nước này.

Hồi tháng 10/2017, Nhật Bản bắt đầu tuyển lao động người Việt trong ngành y tế qua chương trình đào tạo thực tập chuyên môn mở rộng. Những người có thể nói tiếng Nhật giao tiếp có thể xin được thị thực thời hạn lên tới 5 năm. Chính phủ cũng sẽ thiết kế chương trình mới cho phép những người hoàn thành khóa đào tạo được ở lại thêm 5 năm nữa.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thể tận dụng cơ hội này do các yêu cầu ngôn ngữ khắt khe đòi hỏi họ phải tiêu tốn chi phí lớn cho việc học ngoại ngữ. Chuyến đi tới Nhật Bản có thể quá sức với người lao động bởi họ buộc phải về nước nếu kỹ năng giao tiếng tiếng Nhật không đạt trình độ yêu cầu trong năm ở đầu tiên.
Với chương trình mới, Nhật Bản sẽ phụ cấp phí học ngoại ngữ và liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo cho những người điều dưỡng biết cách giúp người cao tuổi tự chăm lo cho bản thân. Lao động nước ngoài sẽ được trả lương tương tự như người lao động bản địa.
Ngày 24/7, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ đạo các quan chức xúc tiến chuẩn bị các bước cần thiết để nhận thêm lao động nước ngoài. Ngoài Việt Nam, Tokyo cũng xem xét đề xuất kế hoạch tương tự với Indonesia, Campuchia và Lào.
[caption id="attachment_101119" align="aligncenter" width="660"]
Hiện nay, lực lượng điều dưỡng viên các nước tới Nhật Bản chủ yếu qua thỏa thuận hợp tác kinh tế. Trong giai đoạn 2008-2017, Nhật Bản tuyển tổng cộng 3.500 điều dưỡng viên nước ngoài. Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch mới sẽ tăng con số này lên gần gấp đôi.
Theo Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp, Nhật Bản thiếu hụt 40.000 điều dưỡng viên vào năm 2015. Chương trình tuyển dụng 10.000 lao động mới sẽ giúp bù 1/4 lượng thiếu hụt.
Tuy nhiên, vấn đề này dự kiến trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng thiếu hụt được cảnh báo sẽ tăng trở lại và đạt con số 790.000 vào năm 2035. Cũng vì thiếu lao động, kế hoạch nhà dưỡng lão của chính phủ Nhật Bản trong năm tài chính 2015-2017 chỉ hoàn thành được 70%.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt để thu hút lao động, Hàn Quốc cũng đã đặt ra hạn ngạch để nhập khẩu lao động nước ngoài. Nhật Bản có những nỗ lực tương tự bằng cách đặt mục tiêu con số cụ thể. Dù vậy, những yêu cầu khắt khe về cư trú, bao gồm trình độ ngoại ngữ, khiến cho viễn cảnh lao động nước ngoài tại Xứ Mặt trời mọc vẫn còn chưa rõ ràng.
Theo Ngọc Hà Zing