Nhân lực hàng không chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt
So với các nước trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực hàng không Việt Nam đang ở mức trung bình khá về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc; còn kỹ năng hành nghề, kỹ năng mềm chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt và tương lai gần.
Hơn nữa, tuy lực lượng nhân viên hàng không được đào tạo bài bản theo chương trình đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, đáp ứng yêu cầu của ICAO và cơ sở khai thác nhưng kiến thức về chính trị, xã hội, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng mềm còn hạn chế (chủ yếu là ở lĩnh vực khai thác mặt đất, phục vụ chuyến bay).
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tuân thủ quy trình, quy chuẩn khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không của một số nhân viên hàng không chưa đầy đủ là những tác nhân gây uy hiếp an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ hàng không.
Cục Hàng không cho biết thêm, thời gian tới, theo định mức khuyến cáo của ICAO, nhu cầu về giám sát viên an toàn hàng không rất lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, bảo đảm hoạt động bay.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh việc thiết lập cơ sở đào tạo phi công cơ bản hoàn chỉnh tại Việt Nam để chủ động đáp ứng nhu cầu về phi công cho các hãng hàng không Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp hàng không, cần công khai nhu cầu nguồn nhân lực hàng không, thu nhập dự kiến của các vị trí như phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật tàu bay, kiểm soát viên không lưu... nhằm đẩy mạnh xã hội hóa việc đào tạo, thu hút đầu vào chất lượng cao.
Riêng đối với lĩnh vực đào tạo, Cục Hàng không cho rằng cần tập trung vào đào tạo nghề đối với nhân viên hàng không, bỏ các chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng đối với nhân viên hàng không nhằm thu hút, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm bớt chi phí xã hội.
Theo Chinhphu.vn