Nhân lực công nghệ cao: cần có chính sách đào tạo hợp lý

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đều cho rằng ngoài kiến thức, kỹ năng, sinh viên cần có đạo đức, tác phong trong nghề nghiệp, thái độ tích cực trong công việc mới đáp ứng được nhu cầu của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

[caption id="attachment_8728" align="aligncenter" width="700"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Vì sao cần đào tạo?

Nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển, là một thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Trong thế kỷ XX, đã có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng do phát huy tốt nguồn nhân lực nên đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại hóa chỉ trong vài ba thập kỷ.

Trong khi đó, Việt Nam có quy mô dân số trên 90 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Dân số phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Dân cư Việt Nam phần đông vẫn còn là cư dân nông thôn (khoảng 68 % - năm 2013). Trình độ học vấn của dân cư ở mức khá; tuổi thọ trung bình tăng khá nhanh (năm 2013 đạt 73,1 tuổi). Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 17,9%, trong đó ở thành thị là 33,7%, gấp 3 lần tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 11,2%, phân theo giới tính tỷ lệ này là 20,3% đối với nam và 15,4% đối với nữ; tỷ lệ nhân lực được đào tạo trình độ cao (từ đại học trở lên) trong tổng số lao động qua đào tạo ngày càng tăng (năm 2010 là 5,7%, năm 2012 là 6,4%, sơ bộ năm 2013 là 6,9% ).

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quát về đội ngũ nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề hiện nay vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp. Ngoài ra, khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam.

Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm làm việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hoá công nghiệp, kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao cũng là một trong những đòi hỏi của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc phát triển nhân lực cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Bên cạnh đó, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể, để từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… để đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển thích hợp cho giai đoạn đó phù hợp với bối cảnh kinh tế-  xã hội trong nước và quốc tế.

Cần đáp ứng nguồn nhân lực công nghệ cao

Nhiều chuyên gia nhận định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn trên thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao. Dễ dàng nhận thấy, chương trình giảng dạy hiện nay vẫn tập trung chủ yếu trên lý thuyết, thiếu thực hành. Từ đó, các bài giảng vẫn còn cứng nhắc, chưa thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Một yếu tố đáng chú ý khác là số lượng sinh viên ra trường về mặt lý thuyết khá, nhưng kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện đang thiếu sự gắn kết giữa công tác đào tạo và nhu cầu thực tế về sử dụng nhuồn nhân lực; trong đó có nhiều vấn đề bức xúc còn tồn tại như cơ cấu đào tạo bất hợp lý; thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng; chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng…

Hiện nay, hàng năm các trường ĐH - CĐ trong nước cho ra trường số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp có kiến thức cơ bản khá tốt. Tuy nhiên, rất ít sinh viên được rèn luyện những kỹ năng làm việc trên các công cụ, thiết bị hiện đại, chưa quen làm việc trong môi trường sản xuất công nghệ cao và chưa trải qua nghiên cứu khoa học gắn với thị trường. Việc xác định nhu cầu đào tạo gặp rất nhiều khi khăn do người học vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của học nghề. Học nghề vẫn chưa vượt qua định kiến về khoa cử bằng cấp, danh vị xã hội, do đó nhu cầu về công nhân kỹ thuật rất lớn, nhưng số lượng tuyển sinh học nghề lại thấp. Mặt khác, nhu cầu đào tạo hiện nay không xuất phát từ nhu cầu thực tế mà từ nhu cầu lên lương, lên chức dẫn đến người đáng được đi đào tạo thì không được mà bộ phận đi đào tạo về lại không sử dụng.

Tình trạng trên dẫn đến hiện tượng thiếu công nhân kỹ thuật nhưng lại thừa những người có qua đào tạo nhưng trình độ chuyên môn yếu. Hiện nay, trên thế giới hình thức đào tạo phổ biến và hiệu quả được rất nhiều các nước phát triển áp dụng là mô hình trường nghề thuộc doanh nghiệp. Ở nước ta hình thức đào tạo này vẫn chưa được chú trọng đúng mức, thời gian gần đây mới bước đầu được xem xét và thử nghiệm ở một số doanh nghiệp. Việc lựa chọn hình thức đào tạo không phù hợp đó dẫn tới tốn kém về chi phí, chất lượng đào tạo không cao.

Chính vì thế, điều cần thiết nhất hiện nay chính là chính sách hợp lý hơn về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Doanh nghiệp và nhà trường cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nhằm chấm dứt tình trạng hiện nay là sinh viên ra trường nhiều nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến việc một số lượng lớn không có việc làm.

Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm rất quan trọng đối với nước ta hiện nay. Tình trạng căng thẳng về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày một gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như tăng trưởng của các địa phương. Do đó, Chính phủ cần sớm có những giải pháp đào tạo hợp lý để ổn định và thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao cho các doanh nghiệp là điều bức thiết hiện nay.

Đăng Trung

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video