Người tiêu dùng TPHCM trước ma trận hàng thật, hàng giả lẫn lộn

TPHCM - Người dân ngày càng lo lắng khi thị trường tràn ngập hàng giả, hàng kém chất lượng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tạm giữ lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được chào bán trên mạng xã hội. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cung cấp

Người tiêu dùng hoang mang

Theo nhiều người tiêu dùng, hàng giả hiện nay có hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường. Anh Trần Quốc Bảo (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi từng mua một đôi giày thể thao ở một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10), người bán khẳng định là hàng tồn kho chính hãng. Tuy nhiên, chỉ đi được hai tuần thì đế bong ra, keo chảy nhão. Mang đi hỏi bạn bè thì mới biết là hàng nhái loại 3”.

Chị Nguyễn Thị Minh Thư (quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi từng mua mỹ phẩm qua mạng, hàng bên ngoài nhìn không khác gì hàng chính hãng. Nhưng chỉ vài ngày sau là da nổi mẩn, phải đi bác sĩ mới biết đó là hàng giả. Giờ mỗi lần mua gì cũng phải dò kỹ từng chữ”.

Sự tinh vi của hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng dễ rơi vào bẫy, dù có cẩn trọng đến đâu. Hệ quả không chỉ là tiền mất tật mang, mà còn làm mất niềm tin vào thị trường hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm gắn mác “sạch” hay “an toàn”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, xu hướng tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và lựa chọn các sản phẩm an toàn, sạch, đảm bảo sức khỏe đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân TPHCM. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại như bị cuốn vào một “ma trận”, khó phân biệt được đâu là sản phẩm sạch thực sự, đâu là hàng nhái, hàng gắn mác giả.

“Trước thực trạng thật - giả lẫn lộn, hàng kém chất lượng trà trộn với hàng chính hãng, rất cần sự phối hợp giữa các nhà sản xuất uy tín và hệ thống phân phối chuyên nghiệp, nhằm mang đến những sản phẩm xanh minh bạch, giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn và sử dụng" - ông Hòa nhấn mạnh.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân kiểm tra hàng giả, hàng nhái trên địa bàn thành phố nhưng việc vi phạm vẫn liên tục tái diễn. Trước thực trạng nhức nhối, TPHCM đã thành lập Tổ công tác chuyên trách do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được làm Tổ trưởng, mở đợt cao điểm truy quét hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, nhất là với các hoạt động bán hàng trên mạng, nơi hàng giả dễ lẩn trốn nhất.

Theo Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM, tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xuất hiện tràn lan trên thị trường đang làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm. Việc khó phân biệt giữa hàng thật và hàng giả khiến người dân luôn trong tâm thế nghi ngờ, e dè khi mua sắm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Không chỉ gây thiệt hại về mặt doanh thu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hợp pháp, việc tiêu thụ hàng trôi nổi còn tạo điều kiện cho các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phát triển. Tình trạng này gây tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc thường được sản xuất, phân phối nhỏ lẻ, không có địa chỉ cụ thể, khiến công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, việc xác minh nguồn gốc và xử lý sai phạm lại càng phức tạp hơn.

Để đối phó hiệu quả với vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc và giám sát hoạt động kinh doanh cũng cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Theo Báo Lao Động

Niềm tin là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế tư nhân

Để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh, đã đến lúc phải định vị lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân, cắt giảm rào cản hành chính. Đặc biệt, niềm tin chính là nền tảng cốt lõi, là chất xúc tác để kinh tế tư nhân bứt phá.

MWG đón sóng, thiết bị công nghệ và bán lẻ thực phẩm cùng bứt tốc?

Trong bối cảnh ngành bán lẻ Việt Nam đang từng bước phục hồi sau giai đoạn trầm lắng kéo dài hậu đại dịch, Thế Giới Di Động (MWG) - “ông lớn” của ngành hàng điện tử và tiêu dùng, đang nổi lên như một điểm sáng tăng trưởng nhờ loạt yếu tố thuận lợi hội tụ. Với chu kỳ thay mới thiết bị công nghệ đang đến gần, sức bật từ chuỗi Bách Hóa Xanh và chiến lược mở rộng thị trường quốc tế, MWG được đánh giá có nhiều cơ hội để bước vào một chu kỳ tăng tốc bền vững.

Doanh nghiệp nội tìm hướng tham gia các dự án trọng điểm quốc gia

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật cùng Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được xem là “chìa khóa vàng”mở cửa cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bứt phá, nắm bắt cơ hội tham gia vào hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.

NECS đồng hành cùng kỷ nguyên vươn mình sau sáp nhập tỉnh

Việc sáp nhập một số địa phương trong cả nước – tiêu biểu là Long An và Tây Ninh – không chỉ đánh dấu bước chuyển mình về mặt hành chính mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc chiến lược và nâng cao hiệu quả quản lý. Trong bối cảnh này, Công ty Cổ phần Kho lạnh Kỷ Nguyên Mới (NECS) tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành cùng kỷ nguyên mới vươn mình, với sứ mệnh xây dựng nền tảng logistics hiện đại phục vụ hiệu quả chuỗi cung ứng quốc gia.