Người tiêu dùng nông thôn ‘rất ưa chuộng hàng Việt Nam’
Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết các cuộc khảo sát của công ty cho thấy, người tiêu dùng nông thôn “rất ưa chuộng hàng Việt Nam”.
[caption id="attachment_17292" align="aligncenter" width="700"]
Thủ tục, hết thuế rồi đến phòng cháy chữa cháy, rồi đến bảo vệ môi trường, giá bán niêm yết từng thứ một, hoá đơn…
Mọi thứ tưởng chừng làm khó để một phiên chợ Hàng Việt về nông thôn không thể diễn ra ở một huyện xa ở Lâm Đồng.
Lý do: đã có những phiên chợ đi về bán hàng giả, hàng trôi nổi, và các gói quà tặng cũng là đồ giả.
Nhưng đến khi phiên chợ diễn ra, người tiêu dùng mải mê với hàng Việt, lãnh đạo huyện này vui vẻ mời chương trình quay trở lại thêm lần nữa.
Sự thiếu vắng của các sản phẩm có chất lượng, cả của doanh nghiệp trong nước lẫn đa quốc gia, là mảnh đất màu mỡ cho những hàng trôi nổi, kém chất lượng, hàng từ Trung Quốc phát triển và sinh sôi.
Nay thì, các phiên chợ đưa hàng về nông thôn đang lấp đi khoảng trống này. Rất nhiều doanh nghiệp cũng đã có chú tâm đến khai thác thị trường đông dân và đang phát triển mạnh mẽ này.
Hàng tiêu dùng nhanh tăng mạnh
Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết các cuộc khảo sát của công ty đều cho thấy rằng người tiêu dùng ở nông thôn “rất ưa chuộng hàng Việt Nam”.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của công ty này năm 2015, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt thị trường này và có những mức tăng trưởng “hết sức ấn tượng”.
Tính chung, các công ty Việt Nam trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở nông thôn đạt mức tăng trưởng lên đến 14%.
Con số này cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp đa quốc gia chỉ với 7%, và cao hơn so với con số toàn thị trường, tức bao gồm cả thành thị, với chỉ 5%.
Theo ông Hoàng thì các doanh nghiệp nội địa đã chiếm lĩnh thị trường nông thôn ở các ngành hàng giải khát và thực phẩm đóng gói. Các nhãn hàng như sữa đậu nành Fami của Vinasoy có mức tăng rất cao.
Các công ty như Vinamilk, TH Milk hay Nutifood trong ngành sữa đều chiếm lĩnh thị trường nông thôn, đẩy những nhãn hàng của FrieslandCampina, thường được biết đến với Cô gái Hà Lan, xuống vị trí thấp.
Trên thị trường mì ăn liền mỗi năm khoảng 5 tỉ gói, năm 2015 chứng kiến một mức tăng trưởng gần như bằng 0.
Thế nhưng, các sản phẩm mì gói của Masan và 3 Miền của Uniben lại có mức tăng. Điều đó có nghĩa là các sản phẩm của Acecook, đặc biệt là Hảo Hảo, đang ở chiều suy giảm, dù vẫn dẫn đầu thị trường.
Người nông thôn mua hàng không nhiều, và có sự chọn lựa. Trong khoảng 100 ngành hàng tiêu dùng đang bán tại Việt Nam thì theo ông Hoàng của Kantar, có đến 70% ngành hàng “có mức tiếp cận người tiêu dùng dưới 50%”.
“Điều đó có nghĩa là dư địa tăng trưởng ở nông thôn còn rất lớn”, ông Hoàng nói.
Cần chất lượng tốt, giá vừa tầm
Theo Kantar Worldpanel, khoảng 70% hàng FMCG ở nông thôn được tiêu thụ qua các cửa hàng tạp hoá, len lỏi khắp nơi.
Do địa thế trải dài, rộng và địa hình khá trắc trở, nên việc xây dựng các hệ thống phân phối, châm hàng đến các tiệm tạp hoá nhỏ ở nông thôn cũng là một thử thách.
Sự thành công của các nhãn hiệu từ Vinamilk, TH Milk, Fami cho đến Uniben trong năm 2015 một phần là nhờ yếu tố này.
Các doanh nghiệp nội không chỉ đơn thuần là cạnh tranh về giá rẻ mà đã có những nỗ lực rất bài bản.
Khảo sát của Kantar Worldpanel, để có thể chinh phục được thị trường này, một sản phẩm cần phải hội đủ nhiều yếu tố, từ chất lượng tốt, giá cả phải chăng, thông điệp truyền thông hay…
Chất lượng tốt và giá bán vừa tầm là hai yếu tố quan trọng để người tiêu dùng tìm đến sẩn phẩm.
Điều đó có nghĩa là cuộc cạnh tranh ở thị trường này không còn đơn thuần về giá mà thiên về chất lượng hơn, và bài bản hơn.
Theo TGTT