Ngàn tỷ đồng kiểm tra hàng nhập khẩu
Mặc dù các bộ ngành đã nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng khâu kiểm tra chuyên ngành vẫn khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nản lòng.
[caption id="attachment_40814" align="aligncenter" width="588"]
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong năm 2015, tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành của các doanh nghiệp trên cả nước khoảng 1.637 tỷ đồng. Chi phí này chưa bao gồm phí cấp giấy phép, các loại giấy tương tự, chi phí lưu kho bãi… Thủ tục và chi phí kiểm tra chuyên ngành không chỉ là gánh nặng mà còn khiến cho các doanh nghiệp phải tốn kém hàng ngàn tỷ đồng.
Mệt mỏi, tốn kém
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành thông tư bãi bỏ các quy định trong Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Theo đó, thông tư 37 sẽ chính thức không còn hiệu lực từ ngày 26/11/2016, giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may thở phào nhẹ nhõm. Nhưng, thông tư 37 chỉ là một trong hàng trăm quy định về kiểm tra chuyên ngành đang được nhiều bộ ngành áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp. Kết quả rà soát của Bộ Tài chính mới đây cho thấy có khoảng 343 văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành, nhưng nhiều quy định hoặc không rõ ràng, hoặc chưa phù hợp với quy định quốc tế. Tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 30% tổng số lô hàng nhập khẩu, không giảm so với năm trước. Một số mặt hàng có thời gian kiểm tra chuyên ngành dài hơn như thiết bị y tế 40 ngày, kiểm tra hiệu suất năng lượng 43 ngày, kiểm tra chất lượng xe cứu hỏa, cứu thương 79 ngày…
Chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng không giảm so với năm trước, chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn. Khảo sát của CIEM và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho thấy chi phí kiểm tra chuyên ngành là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi khoảng 6 tỷ đồng để kiểm tra chất lượng hàng thủy sản, gồm chi phí kiểm tra và chi phí lưu container, chưa kể chi phí vận chuyển.
Một doanh nghiệp khác nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên tới 134 triệu đồng. Hoặc một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng bột mì, phụ gia thực phẩm để sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu, tổng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành đã phải chi khoảng 1 tỷ đồng/năm, chiếm 2-3% giá thành.
Ở một góc nhìn khác, lại có tình trạng độc quyền, quá tải cho các tổ chức kiểm định, chứng nhận, giám định… do chỉ định hạn chế. Như việc Bộ Công Thương chỉ định duy nhất Quantest 1 (tại Hà Nội) thực hiện thử nghiệm động cơ, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu động cơ trên cả nước phải vận chuyển những mặt hàng này về Quantest 1 để thử nghiệm với chi phí vận chuyển rất cao, nhất là các doanh nghiệp ở phía Nam, gây tốn kém thời gian.
Số liệu của Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, 6 tháng cuối năm ngoái, số tờ khai nhập khẩu phải kiểm dịch là 28.135 tờ, kiểm tra chất lượng 203.901 tờ và kiểm tra an toàn thực phẩm 66.178 tờ; xin giấy phép và các loại giấy tương tự là 117.029 tờ. Tổng số lượng tờ khai tạm tính cho cả năm sẽ gấp đôi số tờ khai trên. Theo phản ánh của doanh nghiệp, trong 2 năm qua, mức chi phí tối thiểu kiểm tra chuyên ngành cho một tờ khai khoảng 200.000 đồng phí kiểm dịch, 2 triệu đồng phí kiểm tra chuyên ngành và an toàn thực phẩm. Như vậy, chỉ riêng chi phí làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại hải quan TP.HCM đã lên tới hơn 1.091 tỷ đồng trong năm 2015, chưa kể phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự khác.
Nguy cơ mất đơn hàng
Tại hội thảo góp ý sửa đổi các luật liên quan đến quản lý chuyên ngành ở TP.HCM mới đây, rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục phản ứng với các quy định, văn bản trong lĩnh vực này. Ông Lê Đình Phương, Quản lý bộ phận mua hàng Công ty logistics Thăng Long, băn khoăn: mặt hàng thép trước đây chỉ có 2 đơn vị kiểm tra chuyên ngành, nhưng từ khi có thông tư mới lại thêm Sở Công Thương. Kết quả là chỉ một thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thép, doanh nghiệp phải mất 6 lần đi tới 3 cơ quan chuyên ngành xin giấy đăng ký để làm thủ tục hải quan, chưa kể thủ tục thông quan.
“Càng nhiều cơ quan quản lý thì càng kéo dài thời gian kiểm tra và khi phát sinh vướng mắc, các cơ quan thường đổ lỗi cho nhau. Phải chăng cơ quan nhà nước vẫn thích quản lý doanh nghiệp?”, ông Lê Đình Phương bức xúc.
Liên quan đến công tác kiểm dịch, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp cũng cho là “chồng chất khó khăn” vì hiện quy định 100% lô hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu thủy sản phải kiểm tra chuyên ngành. Trong khi Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu quản lý rủi ro theo từng doanh nghiệp, nguồn hàng và tỷ lệ lô hàng. Chẳng hạn như với thị trường Mỹ chỉ kiểm tra 5% tổng lô hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trước đây, hàng thủy sản trong khi chờ kết quả kiểm dịch doanh nghiệp được kéo về kho chờ thông quan, nay ngược lại. Giống như một bước lùi của 3-4 năm trước do cơ quan quản lý áp dụng quy định từ năm 2010, tức là có kết quả kiểm dịch rồi mới cho nhập kho. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không giấu giếm bức xúc khi cho biết “cả hàng mẫu cũng phải kiểm tra chuyên ngành như các mặt hàng khác, do chưa có quy chế quản lý chuyên ngành đối với hàng mẫu, thủ tục công bố hợp chuẩn hợp quy”. Rất nhiều lần hàng về cảng, sân bay rồi, nhưng doanh nghiệp không lấy được, dẫn đến bị chậm trễ, mất đơn hàng và mất cơ hội kinh doanh.
Theo các chuyên gia, kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu còn nhiều hạn chế, một phần do vướng mắc trong các quy định của bộ ngành, luật, nên hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến để sửa đổi các luật liên quan đến quản lý chuyên ngành như Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm…
TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhìn nhận, việc kiểm tra chuyên ngành còn nhiều khó khăn, trùng lắp khiến chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu rất lớn. Do đó, cùng với việc sửa các luật, cần thay đổi phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phương thức kiểm tra dựa trên xác suất rủi ro, dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, mức độ nguy hại của sản phẩm.
Theo Doanh nhân