Mỹ - Trung Quốc: Chiến tranh thương mại về đâu năm 2019?
Ảnh minh họa
Chuyện gì đã xảy ra năm 2018?
Phát pháo đầu tiên trong cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế chính thức nổ ra vào ngày 22.3.2018. Khi ấy, Tổng thống Mỹ yêu cầu nội các điều tra việc áp dụng thuế quan lên 50-60 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dựa vào Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974. Ông Trump cho rằng thuế quan là “cách phản ứng với nhiều hành vi thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc những năm qua”, trong đó có việc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Hơn 1.300 mặt hàng “made in China” nhập khẩu đến Mỹ bị liệt vào danh sách áp thuế, trong đó có bộ phận máy bay, pin, tivi màn hình phẳng, thiết bị y tế, vệ tinh và nhiều loại vũ khí.
Ngày 2.4.2018, Trung Quốc phản ứng bằng cách áp thuế 25% hoặc 15% lên 128 loại hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này, trong đó có nhôm, ô tô, máy bay, thịt heo và đậu nành, trái cây, các loại hạt và ống thép. Ít ngày sau, Tổng thống Mỹ đáp trả bằng cách cân nhắc mở vòng áp thuế mới. Đôi bên “ăn miếng trả miếng” để rồi đến cuối tháng 9.2018, Mỹ áp thuế quan 10% lên hơn 250 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, còn Trung Quốc “khóa” 110 tỉ USD giá trị hàng Mỹ với thuế quan, theo Reuters.
May mắn là hai tháng sau, cả hai đồng ý ngừng leo thang căng thẳng để ngồi vào bàn đàm phán. Mỹ tạm hoãn nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc vốn được lên lịch vào ngày 1.1 để chờ kết quả thương thảo song phương. Đôi bên kỳ vọng đi đến thỏa thuận trước hạn chót là vào đầu tháng 3.
Hàng loạt “nạn nhân” từ năm ngoái đến năm nay
Bất chấp căng thẳng tạm dừng leo thang, thông tin về hàng loạt doanh nghiệp gặp khó vẫn liên tiếp xuất hiện. Theo Bloomberg, chính quyền Mỹ cho rằng lợi ích dài hạn mà Mỹ có được từ cuộc chiến này sẽ bù đắp hầu hết thiệt hại ngắn hạn cho người tiêu dùng và nhà đầu tư song đến nay, Apple, FedEx, Starbucks, General Motors và nhiều cái tên Mỹ khác chứng minh điều ngược lại.
FedEx giảm dự báo lợi nhuận và hạ năng lực xử lý vận tải hàng không quốc tế vào tháng cuối năm 2018. Hãng giao hàng lớn của Mỹ cho biết căng thẳng thương mại là một trong các thách thức với doanh nghiệp, trong khi CEO FedEx Fred Smith nói rằng hầu hết vấn đề mà ông đối mặt xuất phát từ “lựa chọn chính trị tồi tệ”. Starbucks, chuỗi cửa hàng cà phê mở một quán mới tại Trung Quốc mỗi vài giờ và kỳ vọng nước này sẽ trở thành thị trường lớn nhất, dự báo tăng trưởng doanh số dài hạn tại Đại lục ở mức 1%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 3-4% ở Mỹ. General Motors thì thể hiện sự bi quan về bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới nói chung và tình hình Trung Quốc nói riêng hồi tháng 10.2018.
Song nạn nhân Mỹ lớn nhất, mới nhất và nặng nề nhất từ căng thẳng thương mại chính là Apple. CNN đưa tin chiều 2.1 (giờ Mỹ), hãng “táo khuyết” giảm mạnh dự báo kết quả kinh doanh quý đầu năm nay từ ngưỡng 89-92 tỉ USD xuống còn 84 tỉ USD, với một phần là lý do là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và môi trường kinh doanh khó hơn vì căng thẳng thương mại. CEO Apple Tim Cook viết trong thư gửi nhà đầu tư: “Chúng tôi tin rằng môi trường kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi căng thẳng thương mại lên cao với Mỹ. Khi môi trường thiếu chắc chắn đè nặng các thị trường tài chính, tác động dường như cũng lan đến người tiêu dùng. Lượng khách hàng của chúng tôi sụt giảm…”.
Cổ phiếu Apple trượt liền 8%, “thổi bay” 55 tỉ USD vốn hóa. Hàng loạt cổ phiếu các công ty sản xuất chip khác như Advanced Micro Devices, Nvidia và các hãng làm ăn lớn tại Trung Quốc như Boeing, Caterpillar cũng giảm theo. Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông (ITI) - nhóm vận động hành lang cho các hãng công nghệ lớn như Google, Apple và Samsung Electronics, ngay hôm sau lên tiếng kêu gọi ông Trump chấm dứt chiến tranh thương mại, theo South China Morning Post.
Tương lai bấp bênh của kinh tế thế giới
2018 là năm chiến tranh thương mại bùng nổ, song có thể 2019 mới là năm kinh tế toàn cầu bắt đầu nặng gánh hậu quả, tỏa khắp từ mặt thương mại, tài chính cho đến niềm tin thị trường và tăng trưởng kinh tế. Tháng 10.2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo kinh tế toàn cầu từ 3,9% xuống còn 3,7% trong năm nay một phần vì quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế. Đây là lần đầu tiên IMF giảm dự báo này kể từ tháng 7.2016.
Tháng cuối năm 2018, công cụ theo dõi thương mại toàn cầu của Bloomberg hạ dần vì đợt tăng tốc giao nhiều đơn hàng xuất khẩu chuyển nhượng phí ban đầu giảm dần, và khối lượng bị cho là sẽ hạ thêm ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc tìm cách giải quyết bất đồng thương mại. IMF dự báo khối lượng giao thương sẽ chậm lại còn 4% năm nay, thấp hơn mức 5,2% năm 2017. Tổ chức nói rõ rằng rào cản thương mại đang trở nên rõ rệt hơn. “Bất cứ hình thức can thiệp nào vào thương mại cũng sẽ bị khoản thuế đánh lên kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới có lẽ đang chậm lại vì việc này”, CEO Hamid Moghadam của hãng Mỹ Prologis, công ty sở hữu gần 4.000 cơ sở hậu cần trên toàn cầu, nhận định.
Các thị trường tài chính và niềm tin người tiêu dùng chịu tác động mạnh. Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch ước tính tin tức về xung đột thương mại đã khiến chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 giảm 6% năm ngoái. Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 2.000 tỉ USD giá trị và hiện èo uột trong xu hướng giảm điểm. Bất chấp nhiều dữ liệu cho thấy thương mại ít là lực cản tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay, người tiêu dùng nước này ngày càng bớt lạc quan về tương lai nền kinh tế. Sự lạc quan của doanh nghiệp nhỏ về cải thiện kinh tế hạ xuống điểm đáy trong hai năm. Nhiều công ty dự báo lợi nhuận tăng yếu năm 2019.
Châu Âu cũng “vạ lây”. Dù ngành máy móc, thiết bị quan trọng của Đức sản xuất kỷ lục 228 tỉ EUR, tương đương 260 tỉ USD, giá trị hàng hóa năm 2018, chiến tranh thương mại dự kiến sẽ khiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Sản lượng tăng trưởng theo giá trị thực được dự báo đạt 5% cho năm ngoái trước khi chậm lại còn 2% cho năm nay. Chưa hết, rủi ro về việc Mỹ áp thuế quan ô tô nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản còn trầm trọng hóa vấn đề. Đây sẽ là động thái làm tổn thương nghiêm trọng quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuối cùng thì chiến tranh thương mại là một mớ bòng bong với tổn thất đa phương, chẳng hề “tốt và dễ thắng” như những gì Tổng thống Trump từng tuyên bố. Giới lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ điều này. Đơn cử, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma cho rằng xung đột thương mại có thể kéo dài 20 năm, là “mớ hỗn độn” cho tất cả các bên liên quan. CEO Michael Dell của hãng công nghệ thông tin Dell thì khẳng định “không ai thắng trong cuộc chiến thương mại”, cả Mỹ và Trung Quốc đều “đối mặt sự hủy diệt lẫn nhau”. Nhà kinh tế Cesar Rojas thuộc Citigroup nhận định sự phân kỳ trong chính sách thương mại và rào cản thuế quan là hai yếu tố thiếu chắc chắn cho giới kinh doanh cả năm 2019, và sẽ tác động mạnh đến kế hoạch thương mại lẫn đầu tư.
Câu hỏi quan trọng lúc này là liệu Washington và Bắc Kinh có đạt được thỏa thuận trước hạn chót vào ngày 1.3 hay không. Hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump rất có thể “hết nhiệt tình với một thỏa thuận” nếu vấp phải chỉ trích trong nước về thỏa thuận yếu hơn kỳ vọng, hoặc nếu nỗi lo về chuyện thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc của ông nhạt đi. Song nếu mọi chuyện thuận lợi và đôi bên bắt tay, đám mây đen bao phủ kinh tế thế giới sẽ tan bớt, bất chấp không có gì đảm bảo rằng căng thẳng sẽ tan đi.
Thu Thảo