Mặt bằng sản xuất trong các KCN tại TP HCM: Vì đâu khan hiếm?

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP HCM: Trước đây, chính quyền TP cho phép các DN ngành cao su, nhựa được đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở vật chất tại những vùng ven đô. Còn nay, quá trình đô thị diễn ra quá nhanh, các nhà máy này phải chuyển dần sang những tỉnh lân cận. Thiếu mặt bằng để mở nhà xưởng nên chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây đã có tới hơn 50% số DN cao su, nhựa phải chuyển đến các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Long An…

[caption id="attachment_41359" align="aligncenter" width="588"]Nhiều mảnh đất lớn bị “bỏ hoang” trong KCN Tân Phú Trung (Củ Chi- TP HCM) Nhiều mảnh đất lớn bị “bỏ hoang” trong KCN Tân Phú Trung (Củ Chi- TP HCM)[/caption]

Miếng nhỏ “lần chẳng ra”

“Thực trạng buộc phải di dời nhà máy này không chỉ gây ra tốn kém cho các DN đang ổn định hoạt động mà còn mà còn tăng thêm chi phí vận chuyển, khó khăn trong tuyển dụng lao động… nhưng vì chủ trương chung của TP nên hiệp hội và DN phải chấp hành”- ông Anh cho biết.

Việc khan hiếm mặt bằng có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do nhu cầu của DN, đặc biệt là các DNVVN và các KCN, KCX chưa gặp nhau. Cụ thể, hầu hết các KCN tại TP HCM đều muốn cho thuê đất lâu dài với diện tích lớn. Trong khi đó, các DNVVN thường chỉ có nhu cầu thuê đất từ 0,2ha – 1ha nên không được các KCN đáp ứng. Một số trường hợp điển hình như Cty Sản xuất Thiết bị chiếu sáng Minh Tâm, Cty Vận tải Kiên Cường muốn thuê đất tại KCX Tân Thuận. Họ đã lên làm việc với Sở Công thương, đại diện Sở nói DN trực tiếp với KCN. Khi DN liên hệ với KCX Tân Thuận thì đơn vị này lại cho biết không còn khu đất nhỏ theo nhu cầu của DN.

Trước thực tế này, TP HCM đã có những chính sách ưu tiên đất cho các DNVVN thông qua kế hoạch đưa các DN, cơ sở sản xuất đang hoạt động trong khu dân cư vào KCN, KCX tập trung. Theo đó, TP đã có quy hoạch và ưu tiên quỹ đất cho DNVVN, đồng thời có những phương án hỗ trợ việc di dời. Nhưng thực tế việc tập trung này còn khá nhiều tồn tại. Bằng chứng là như chia sẻ của ông Cao Thanh Bình – Phó Ban Ngân sách HĐND TP HCM: “Hầu như các DN nhỏ, các xưởng sản xuất chỉ có nhu cầu thuê đất từ 500m – 1.000m2 nên các KCN, KCN không đáp ứng được”.

Miếng lớn vẫn… “bỏ không”

Điều bất hợp lý là trong khi nhiều DN bòn không ra đất cho sản xuất thì tại một số KCN, KCX tại TP HCM, đất sạch “bỏ không” vẫn còn nhiều.

Báo cáo của ông Nguyễn Tấn Phước – Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP HCM (Hepza) cho thấy: TP HCM hiện không thiếu đất sạch cho các DN, nhà đầu tư. Trong những năm qua, TP đã đẩy mạnh việc xây dựng mặt bằng, nhà xưởng cao tầng cũng như chuẩn bị quỹ đất sạch lên tới 390ha để chào đón nhà đầu tư. Quỹ đất khá lớn này được phân bổ cho KCN Hiệp Phước 203ha, KCX Tân Thuận 25ha, KCN An Hạ 50ha…

Cũng theo ông Phước, riêng về nhà xưởng cao tầng xây sẵn đang còn dư khoảng 110.000m2 gồm 3.400m2 tại KCX Linh Trung; 10.400m2 tại KCX Tân Thuận, 46.140m2 tại KCN Hiệp Phước; 20.000m2 tại KCN Tân Phú Trung… Ngay tại KCN Hiệp Phước, TP đang tiến hành triển khai phân bổ giai đoạn 1 với 17ha đất được chia thành những lô nhỏ từ 1.500 – 2.700m2. Giai đoạn 2 sắp tới, sẽ tiếp tục phân lô nhỏ từ khu đất rộng 5ha với mỗi lô trung bình 750m2.

Được biết, ở thời điểm hiện tại, giá thuê đất tại các KCN, KCX tại TP HCM hiện nay dao động từ 50USD – 104USD/1m2/1 năm, thời gian thuê trên 45 năm.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Cần – đại diện Cty vận tải Kiên Cường, “khi thuê khoảng 1ha, riêng tiền thuê đất 1 năm ít nhất cũng vào khoảng 0,7 triệu USD. Tiền thuê đất tốn kém thì còn đâu vốn để đầu tư cho sản xuất? Mà thuê mặt bằng lớn hơn DN không sử dụng hết sẽ rất lãng phí, thuê diện tích đất nhỏ thì không có”.

Được biết, việc quy hoạch đất sạch dành cho nhà đầu tư trong các KCN, KCX trên địa bàn TP hiện nay là nhằm mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào khu tập trung. Tuy nhiên, với cách chia lô diện tích chưa phù phù hợp với nhu cầu của DNNVV, mục tiêu trên đang gặp rào cản, ảnh hưởng đến quy hoạch chung của TP cũng như giải quyết nhu cầu chính đáng cho DN.

Để có giải pháp tháo gỡ vấn đề mặt bằng cho DNVVN, ông Phước cho rằng: Lãnh đạo TP HCM đã yêu cầu Hepza sớm tổ chức một cuộc gặp gỡ với các DN nhằm tìm hướng giải quyết. “Chính sách hỗ trợ chỉ thật sự phù hợp và hiệu quả hơn khi chính quyền TP được nghe chính những kiến nghị từ phía DN” – ông Phước nhìn nhận.

Theo Thanh Huyền DĐDN

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video