Mải mê TPP, quên EVFTA
Việt Nam đang thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những cam kết từ các FTA. Trong xu hướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được bàn luận sôi nổi thời gian gần đây, DN Việt Nam dường như đang mải mê với TPP mà quên đi những cam kết phải thực thi trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
EVFTA tác động không kém TPP
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Việt Nam đã hoàn tất đàm phán EVFTA cuối năm 2015, bản toàn văn được công bố đầu tháng 2-2016. Các đơn vị truyền thông và DN thời gian qua tỏ ra chú ý đặc biệt tới TPP nhưng chưa quan tâm tương xứng với EVFTA”. Nhận xét của bà Trang về sự lép vế của EVFTA trong mối quan tâm của DN Việt Nam trước đó cũng được Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị - Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ông Andre Holt, đưa ra nhận xét tương tự: “Từ khi tham gia WTO năm 2007, tuy Việt Nam đã có được những bước tiến đáng kể trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đây vẫn là một thách thức lớn cho DN trong nước”.
[caption id="attachment_13719" align="aligncenter" width="500"]
EVFTA là 1 trong 2 FTA thế hệ mới lớn nhất của Việt Nam, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Hiệp định được kỳ vọng giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10-15%, xuất khẩu sang thị trường EU tăng 30-40% và trở thành đòn bẩy cho quá trình cải cách thể chế. Bởi EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư và sự tăng trưởng kinh tế giữa Việt Nam và 28 nước thành viên châu Âu. Thời điểm kết thúc đàm phán, vào tháng 8-2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng thương mại 2 chiều Việt Nam - EU tới đây sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định này, với con số dự kiến là tăng trưởng thêm 4-6%. Trong khi TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định tác động của EVFTA đến Việt Nam sẽ mạnh không kém TPP. Đối với TPP, tuy có 12 thành viên tham gia nhưng ta đã có các FTA với 7 đối tác trong đó. Như vậy, ký TPP, ta chỉ có thêm 4 đối tác mới. Với EVFTA, ta cùng lúc có thêm 28 đối tác, điều này là vô cùng quan trọng.
Tìm ra khác biệt để thay đổi
Giống như TPP, EVFTA là FTA thế hệ mới theo nghĩa không chỉ dừng lại ở hàng hóa ra vào, mà còn là một hệ thống cam kết liên quan trực tiếp đến vận hành, thể chế, chính sách pháp luật đằng sau đường biên giới. Đây sẽ là những tác động đặc biệt lớn để khiến Việt Nam thay đổi. Công việc đầu tiên là phải rà soát những cam kết với EU và hệ thống chính sách Việt Nam để tìm ra những khác biệt rồi sau đó là thay đổi để hiện thực hóa các cơ hội. Một trong những lĩnh vực của EVFTA được cho sẽ có tác động trực tiếp và lớn tới hệ thống pháp luật Việt Nam là các cam kết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT). Bên cạnh đó, EU là đối tác có thế mạnh trong sáng tạo và là một trong các nguồn xuất khẩu sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó có những đòi hỏi cao hơn WTO về tiêu chuẩn bảo hộ cũng như các biện pháp thực thi các quyền SHTT.
Kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về SHTT trong EVFTA được công bố ngày 1-3 cho thấy pháp luật Việt Nam hiện hành đã tương thích với đa số các cam kết về SHTT trong EVFTA ở cả 3 chế định lớn: các nguyên tắc chung về bảo hộ SHTT, các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT và các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra 4 cam kết pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành và nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm. Đây tuy không phải là những chế định hay vấn đề lớn về pháp luật nhưng là các quy định rất chi tiết pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận.
Bên cạnh đó, một nhóm tương đối các cam kết trong EVFTA mà pháp luật về SHTT của Việt Nam đã có quy định nhưng chưa hoàn toàn tương thích. Nhóm này bao gồm một số quyền phải ghi nhận đối với người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; một số biện pháp bảo hộ chi tiết nhằm chống lại hành vi xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền hay các thông tin quản lý quyền; một số tiêu chuẩn bảo hộ mới đối với kiểu dáng công nghiệp; một số yêu cầu tăng cường thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong triển khai các biện pháp dân sự trong thực thi quyền SHTT.
Từ phân tích trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị đối với các trường hợp pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ hoặc không tương thích một phần với cam kết EVFTA, cần sửa đổi pháp luật và thực thi từ góc độ của DN Việt Nam, nhằm bảo đảm tuân thủ hiệp định theo cách thức có lợi nhất cho DN.
Theo ĐTTC