Lỗi máy “fax” của Saigon Co.op

Một lỗi cơ bản của “thủ tục giấy tờ” đã khiến giấc mơ của Saigon Coop dở dang. Hâu quả là giờ đây nỗi lo âu về nguy cơ “Người Thái lên ngôi” ngay trên sân khách càng hiện diện rõ, bất chấp Central Group và BJC được xem là những đối thủ cạnh tranh lẫn nhau.

Saigon Coop

Bóng đá Châu Âu từng chứng kiến một chuyện hy hữu trong kì chuyển nhượng mùa hè 2015. Khi đó vào ngày cuối cùng của mùa chuyển nhượng, thương vụ mua bán thủ thành De Gea từ Câu lạc bộ Manchester United (Anh) sang Real Madrid (Tây Ban Nha) tưởng chừng đến 99% sẽ xảy ra khi hai bên đã thỏa thận xong giá cả, thậm chí giới truyền thông đã chuẩn bị các bài viết hẳn hoi trên các trang nhất trong khi giới chức quản lí sân Bernabeu (sân nhà của Real) hối hả chuẩn bị lễ ra mắt hoành tráng cho siêu sao mới.

Nhưng cuối cùng tất cả đều hụt hẫng khi thương vụ đình đám này đã không diễn ra bởi vào cuối ngày của kỳ chuyển nhượng, liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha khẳng đinh hồ sơ mua bán De Gea mà họ nhận được đã trễ vài phút so với hạn chót 31/08. Lí do được đưa ra là chiếc máy fax của một bên nào đó đã gặp vấn đề kĩ thuật khiến thông tin gửi đi bị trễ.

Dĩ nhiên, cả Manchester và Real đều giận dữ đỗ lỗi cho nhau, thậm chí Real còn dọa kiện ra cả FIFA để lấy lại hình ảnh của mình...Việc không chiêu mộ được De Gea khiến đội hình Dream Team của Real Madrid bị khuyết và tất nhiên ảnh hưởng phần nào đến phong độ của câu lạc bộ trong mùa bóng mới trước đối thủ Barcelona.

Nhắc lại sự kiện này để thấy rằng, đôi khi những yếu tố khách quan lại là mấu chốt nảy sinh vấn đề, làm thay đổi cục diện tình hình và có thể để lại những hậu quả lớn trong tương lai.

Gần đây, một sự cố tương tự “lỗi máy fax” đã diễn ra ở Việt Nam. Là một trong những người tích cực trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị Big C của đối tác Casino (Pháp) nhưng cuối cùng Saigon Coop đã không thể thực hiện được tham vọng này do vướng thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài của các cơ quan chức năng dù đã lọt vào vòng cuối cùng của phiên đấu giá.

Lẽ dĩ nhiên, Casino không thể chờ được bởi gánh nặng nợ đang đè nặng lên vai họ ngày qua ngày. Cuối cùng, hãng này đã chấp nhận bán lại hệ thống siêu thị của mình tại Việt Nam cho tập đoàn Central Group của Thái Lan với giá 1.1 tỉ USD. Như vậy đây là trường hợp thứ hai sau Metro, người Thái tiêp tục thâu tóm một tài sản quý giá nhằm phục vụ mục tiêu chinh phục thị trường bán lẻ Việt Nam.

Không giấu nổi bức xúc, chủ tịch Saigon Coop Ông Diệp Dũng phản ánh phần nào đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 29/04.

Sự thất vọng của Saigon Coop là điều không khó để hiểu. Big C đang là hệ thống bán lẻ lớn thứ hai trên thị trường, chỉ sau Saigon Coop. Khác với Metro, Big C được giới chuyên gia đánh giá là có thương hiệu tốt hơn, gần gũi hơn với khách hàng cùng với hàng nghìn sản phẩm được bày bán khá tương đồng với hệ thống Coop Mart của Saigon Coop. Doanh thu của Big C trong 2015 lên đến 672 triệu USD trong khi con số tương ứng của Saigon Coop xấp xỉ 1.13 tỉ USD.

Nếu thâu tóm được Big C, Saigon Coop không những có thêm 26 siêu thị Big C trên toàn quốc mà còn tận dụng được hơn 8.000 nhân viên bán lẻ dày dạn kinh nghiệm trên cả nước của Big C. Vị thế số 1 của Saigon Coop nhờ đó sẽ được củng cố hơn nữa.

Nhưng tương tự sự cố máy fax của Real Madrid, một lỗi cơ bản của “thủ tục giấy tờ” đã khiến giấc mơ của Saigon Coop dở dang. Hâu quả là giờ đây nỗi lo âu về nguy cơ “Người Thái lên ngôi” ngay trên địa bàn trong nước càng hiện diện rõ, bất chấp Central Group và BJC được xem là những đối thủ cạnh tranh lẫn nhau.

Ngoài siêu thị thì hiện tại Việt Nam, Central Group còn nắm trong tay kênh bán lẻ các sản phẩm điện tử khi nắm được 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim, BJC đang nắm trong tay chuỗi tiện ích B’Smart vốn đang len lỏi khá nhanh tại các ngóc ngách của TP.HCM.

Về thị phần, hệ thống siêu thị Metro trước đây có doanh thu được cho là vào khoảng 550 triệu USD. Doanh thu của Metro và Big C cộng lại như thế đã gần ngang ngửa với Saigon Coop, tức đã đưa Saigon Coop vào thế gọng kìm nguy hiểm.

Thậm chí, nếu hai hãng này bắt tay với nhau cùng đưa hàng Thái vào các siêu thị tại Việt Nam thì nguy cơ thất thế ngay trên sân nhà của của sản phẩm “made in Việt Nam” ngày càng thấy rõ. Còn nhớ sau khi mua lại chuỗi siêu thị Metro, tập đoàn BJC đã không dấu tham vọng "Thái hóa" các mặt hàng bày bán khi tuyên bố khoảng 60% tại Metro sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam. Central Group chưa tuyên bố như thế như nhiều khả năng giấc mơ của họ sẽ không khác biệt nhiều với BJC.

Hậu quả của việc Saigon Coop thất bại trong thương vụ thâu tóm Big C có thể tạo nên một bước ngoặc mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong trường hợp sự cố máy fax của Real – MU, hai bên còn có mục tiêu để đổ lỗi cho nhau thì trong sự cố lần này, Saigon Coop sẽ làm được gì?

Theo NDH

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video