Làm gì để vực dậy tour đường sông?

Chiến lược phát triển du lịch của TP HCM xác định tour đường sông sẽ trở thành sản phẩm chủ lực là hướng đi đúng nhưng chưa đủ. 

Từ nhiều năm trước, TP HCM đã đặt ra rất nhiều mục tiêu phát triển tour đường sông với không ít kỳ vọng. Khoảng 3 năm trước, một lần nữa, lãnh đạo TP tiếp tục “xốc” lại tour đường sông, giới thiệu 7 tour mới theo hướng bài bản hơn nhưng đến giờ, lượng khách thưa vắng dần, thiếu nhà đầu tư và không ít doanh nghiệp (DN) bỏ cuộc.

Quá nhiều rào cản

Việc TP nhìn nhận cần phát triển tour đường sông là sản phẩm chủ lực trong bối cảnh du lịch TP bị cạnh tranh bởi các điểm đến khác và vai trò trung chuyển không còn nhiều là hướng đi đúng nhưng chưa đủ.

Thứ nhất, về phía nhà nước, không có chính sách đầu tư rõ ràng, quá nhiều quy định mà lại không thống nhất. Lãnh đạo TP muốn phát triển tour đường sông nhưng các cấp quản lý ở dưới lại đưa ra quá nhiều rào cản, quy định về mặt kỹ thuật mà DN không vượt qua được. Chẳng hạn, đất đai để xây bến bãi không có. Năm 2015, TP đầu tư 5-6 trạm chờ thuyền trên kênh Tàu Hủ nhưng không hỗ trợ gì cho tàu thuyền đi lại trên kênh, khách ngồi uống ly cà phê cũng không được.

Hay tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Công ty TNHH Thuyền Saigon khai thác, Sở Giao thông Vận tải TP yêu cầu quầy giải khát trong khuôn viên bến chỉ phục vụ cho khách đi thuyền, khách chỉ được đứng, không phục vụ khách ngồi uống giải khát; sau khoảng 19 giờ, bến thuyền đóng cửa, hoạt động chẳng khác bến đò ngang. Đầu tư tiền tỉ mà chỉ được khai thác như bến đò ngang, sao không nản lòng? Trong khi ở nước ngoài, bến thuyền mở cửa cả ngày đêm, ai muốn đi, muốn ăn uống, mua sắm quà lưu niệm thì tùy. Bến thuyền phải nhộn nhịp, giao lưu mới sống động…

[caption id="attachment_17482" align="aligncenter" width="540"]Khách nước ngoài tham gia tour du lịch Nhiêu Lộc - Thị NghèẢnh: Hoàng Triều Khách nước ngoài tham gia tour du lịch Nhiêu Lộc - Thị NghèẢnh: Hoàng Triều[/caption]

Tour đường sông ở nội đô TP, như từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến khu nghỉ mát địa bàn quận 2 đón khách đưa đi Củ Chi sẽ xin giấy xuất bến nội địa của quận 1, rồi về quận 2 xin giấy xuất bến để lên huyện Củ Chi, từ Củ Chi xin ngược về quận 2 và xin giấy về lại quận 1… Đây là quy định, DN không thể làm khác. Nói chung phải cắt cử nhân lực đi làm thủ tục, trong khi không phải cứ xin là được mà phải đầy đủ bao nhiêu loại giấy tờ, danh sách khách...

Thứ hai, những DN có chuyên môn về đường sông không nhiều. Đã vậy, lợi nhuận không tương xứng, quá nhiều rủi ro và thủ tục chồng chất nên ít DN nào đủ nhiệt tình, công sức để làm tour đường sông. Hơn nữa, cứ phải lo lắng suốt, còn đâu thời gian và trí óc để kinh doanh, phát triển nguồn khách?

Chưa hiểu doanh nghiệp, du khách

Làm sao để vực dậy tour đường sông? Cơ quan quản lý ngành du lịch TP từng tổ chức nhiều đoàn khảo sát cho DN đến các khu vực 2 bên bờ sông để đưa vào chương trình tour nhưng một cơ quan không thể đưa ra các chính sách. Quan trọng hơn nữa, cơ quan quản lý không phải nhà kinh doanh nên có thể đưa DN tới những địa điểm… không bán tour được. Chẳng hạn, đoàn DN lữ hành từng khảo sát kênh Tàu Hủ, đi thăm một chùa ở quận 6, làm bến thuyền ở đây nhưng chỉ 1-2 DN đường sông bán được chút ít cho khách đến ăn chay (một tháng chừng 2-3 ngày); còn bến thuyền thì quá ô nhiễm, hôi thối. Những vị trí này, DN không thể kinh doanh được. Nhà nước muốn phát triển nhưng chưa hiểu DN, không hiểu tâm lý khách nên xây dựng những bến đậu ở vị trí không phù hợp. Rất nhiều DN nhìn thấy tiềm năng, nhảy vào làm thì vấp phải thực tế phũ phàng nên bỏ cuộc.

Nói về bất cập cho du lịch sông có thể chỉ ra khu vực cảng Sài Gòn diện tích chỉ vài trăm mét vuông nhưng khách tàu biển quốc tế hàng trăm người, khách tàu cánh ngầm, khách trên tàu thuyền bình thường, thuyền ăn đêm cùng ra vào đúng một chỗ… Hôm nào gần đó có vài đám cưới thì xem như náo loạn, người và xe chen chúc. Dường như mảng du lịch này không được đánh giá đúng tiềm năng và tạo thuận lợi để phát triển.

Giờ làm còn kịp không? Vẫn kịp, quan trọng là chính sách rõ ràng từ quản lý nhà nước, tạo những điều kiện gì cho DN thì cụ thể, không cần ưu đãi nhưng phải rõ ràng. Khó khăn về cơ sở vật chất không quá quan trọng bằng yếu tố con người. Để phát triển tour đường thủy nội ô, TP có thể nhìn qua Singapore với tour đường sông dạng tham quan. Ở Singapore, bến thuyền nội đô, cầu tàu là nơi vui chơi giải trí của người dân suốt ngày đêm. Hay ở Thái Lan, tour đường thủy của họ phát triển tới mức có nhiều làn đường cho du khách lựa chọn: làn theo màu sắc, làn ghé nhiều bến trạm, làn chỉ tham quan, làn chạy nhanh...

Phan Xuân Anh Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video