Kinh tế Đài Loan kỳ vọng tăng trưởng mạnh cùng ngành chủ chốt
Quyết tâm tạo nên những động lực để kích thích kinh tế, tạo ra những thành tựu mới trong tăng trưởng, chính quyền Đài Loan chủ trương triển khai nhiều chính sách mới dựa trên kế hoạch cải tổ có giá trị lên tới 28,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, tận dụng những lợi thế chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản tại châu Á về chất lượng sản phẩm và trình độ công nghệ, kinh tế Đài Loan tiếp tục được kỳ vọng sẽ còn nhiều cơ hội, tiềm năng để cộng đồng doanh nghiệp tận dụng và phát triển.
Nâng chỉ số dự báo tăng trưởng
Khác với những dự báo tăng trưởng đã công bố trước đó, Đài Loan gần đây đã nâng chỉ số tăng trưởng năm 2017 lên 2,11% từ 2,05%. Dự báo năm 2018 cũng vừa được công bố với mức tăng trưởng 2,27%, kỳ vọng năm thứ ba liên tiếp tăng tốc. Cụ thể, Tổng cục Thống kê ngân sách, kế toán và thống kê Đài Loan (DGBAS), dự báo tăng trưởng trong quý 3/2017 xuống còn 1,9% và 1,8% trong quý 4/2017, giảm so với 2,4% trong nửa đầu năm nay. Trong 5 năm qua (2012 - 2016), tăng trưởng GDP trung bình khoảng 2,1% mỗi năm nhưng theo Ngân hàng Trung ương, tiềm năng tăng trưởng hiện nay ước tính vào khoảng 2,9%.
Xét nguồn thu ngoại tệ, DGBAS điều chỉnh dự kiến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4% vào năm 2017. Riêng về lĩnh vực nhập khẩu, dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh như xuất khẩu trong năm nay và năm tới, lần lượt là 3,8% và 2,7%. Về nhu cầu nội địa, DGBAS dự báo tăng trưởng tiêu dùng cá nhân sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 1,9% vào năm 2017 - 2018, nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của vấn đề dân số già và mức tăng lương chậm.
Dự báo đầu tư kinh tế được đánh giá chung là lạc quan. Tổng mức đầu tư dự kiến sẽ tăng 2,1% vào năm 2017 và 2,7% vào năm 2018. Điều này chủ yếu đến từ sự gia tăng đầu tư công, được hỗ trợ bởi chương trình chi tiêu cơ sở hạ tầng. Mặt khác, đầu tư tư nhân dự kiến sẽ tăng 1,7% trong năm nay và 1,6% trong năm tới, bằng một nửa tốc độ trung bình 5 năm. Dự báo GDP hiện tại của Đài Loan vẫn ở mức 2,4% vào năm 2017 và 2,5% cho năm 2018.
Kỳ vọng vào kế hoạch cải tổ
Sự tự tin để điều chỉnh những chỉ số dự báo tăng trưởng dựa trên tình hình thực tế, nhất là tác động tích cực từ kế hoạch cải tổ nền kinh tế vĩ mô mới được chính thức tuyên bố. Kế hoạch cải tổ nền kinh tế gồm chương trình kích cầu có tổng giá trị lên tới 28,9 tỷ USD với mục tiêu chính là đa dạng hóa nền kinh tế thay vì tình trạng quá phụ thuộc vào xuất khẩu như những năm vừa qua. Phần lớn gói kích thích kinh tế này sẽ được tập trung vào thị trường nội địa, cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng dựa chủ yếu vào các động lực sản xuất và tiêu dùng nội địa. Kế hoạch này phần nào thể hiện rõ tinh thần muốn giảm đáng kể sự phụ thuộc kinh tế vào thị trường Trung Quốc vốn là thị trường lớn nhất của Đài Loan.
Theo kế hoạch được chính quyền Đài Loan công bố, hầu hết khoản kinh phí sẽ được dành cho các dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng nội địa: từ đường sắt cho tới các hệ thống vận tải biển với mục đích tăng tính kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn với nhau cũng như giữa các đô thị với vùng nông thôn.
[caption id="attachment_75684" align="aligncenter" width="416"]
Viện trưởng hành chính viện Đài Loan Lin Chuan khi công bố bản kế hoạch ngân sách đã cho biết đây là bước đi trọng tâm trong việc cải tổ nền kinh tế khi tập trung gia tăng sự đa dạng hóa của kinh tế Đài Loan và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, nhất là khoảng 2/3 GDP của Đài Loan đến từ xuất khẩu, trong đó khoảng 40% là sang thị trường Trung Quốc. Ngoài việc củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế quốc nội, Đài Loan còn dự định sẽ chi khoảng 58,7 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. Theo ước tính, kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Đài Loan sẽ diễn ra trong vòng 8 năm với tổng chi phí tương đương khoảng 15% GDP của nền kinh tế trong một năm.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, kể từ sau ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng cũng như suy thoái kinh tế thế giới, những kỳ vọng kích thích tài chính, kinh tế bằng những điều chỉnh cởi mở và mạnh mẽ ngoài việc đạt được mục tiêu đề ra, còn gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài lãnh thổ lẫn người tiêu dùng.Theo kế hoạch, các gói kích thích kinh tế này sẽ được thực hiện hoàn toàn thông qua việc phát hành trái phiếu và nguồn tiền sẽ được bơm thẳng vào nền kinh tế. Dự kiến sẽ có khoảng 794 triệu USD sẽ được bơm vào nền kinh tế Đài Loan từ nay đến cuối năm 2017, và sẽ tăng lên mức 3,2 tỷ USD trong năm 2018. Điều này sẽ giúp nền kinh tế hoạt động nhanh hơn và đạt năng suất lớn hơn.
Đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam
Với chất lượng đảm bảo và giá cả tương đối rẻ so với hàng châu Âu, máy công cụ Đài Loan đang ngày được thị trường Việt Nam ưa chuộng. Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Văn hóa và kinh tế Đài Bắc tại TP.HCM, năm 2016, giao thương Việt Nam - Đài Loan đã cán mốc 12 tỷ USD. Với con số này, Đài Loan đã xếp thứ 5 trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tính từ tháng 1 - 5/2017, xuất khẩu của Đài Loan sang Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ 2016. Đài Loan cũng xếp thứ 4 trong danh sách những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 32 tỷ USD tính từ năm 1990 - 2016. Hiện tại, có hơn 4.000 doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí chính xác, sản xuất xe máy, xe đạp...
Cũng theo các số liệu thống kê, số lượng máy móc, công cụ sản xuất của Đài Loan xuất hiện trong các ngành sản xuất của Việt Nam ngày càng nhiều. Năm 2016, xuất khẩu máy công cụ Đài Loan sang Việt Nam đã đạt 98,9 triệu USD. Việt Nam là thị trường nhập khẩu hàng hóa này lớn thứ 6 của Đài Loan; trong đó, các loại máy gia công kim loại, máy tiện, máy mài... chiếm tỷ lệ lớn.
Bà Chang Shiao Chien, Phó giám đốc Văn phòng Phát triển thị trường Trung tâm Thương mại Đài Loan (TAITRA), cho biết ngành máy công cụ Đài Loan đã phát triển đến nay hơn 60 năm, sở hữu một hệ thống chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ toàn cầu. Đài Loan có giá trị xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới. Với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0, ngành máy công cụ Đài Loan đã kết hợp với những thế mạnh của ngành công nghệ thông tin nội địa, dồn toàn lực phát triển máy móc thông minh sẽ góp phần làm đa dạng thị trường máy công cụ tại Việt Nam.
Bà Jen-Ni Yang, Phòng Ngoại thương, ngành kinh tế Đài Loan cho biết, trong ba năm vừa qua, 80% tổng công suất của ngành công nghiệp máy móc công cụ, ước tính giá trị khoảng 4 tỷ USD, đã được xuất khẩu đến 138 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, giúp Đài Loan xếp vị trí thứ 5 về xuất khẩu ở lĩnh vực này sau Đức, Nhật Bản, Ý, Trung Quốc.
“Với thế mạnh phần cứng và phần mềm tích hợp cùng khả năng R&D chuyên nghiệp, chúng tôi tin rằng các máy công cụ Đài Loan đã sẵn sàng cho làn sóng cách mạng công nghiệp mới. Ngành công nghiệp máy công cụ Đài Loan hoạch định sẽ cùng đạt được thỏa thuận có lợi cho đôi bên”, bà Jen-Ni Yang nói.
Với những thế mạnh đã được khẳng định trên thị trường về chất lượng, độ chính xác cao, giá thành cạnh tranh, dịch vụ tiền mãi và hậu mãi chu đáo…, những nhà sản xuất máy công cụ Đài Loan kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Đều là thành viên của WTO và APEC, những năm qua quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan ngày càng bền chặt và đi vào chiều sâu. Trong chính sách kinh tế của Đài Loan đối với ASEAN, Việt Nam vẫn là đối tác ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Việt Nam cũng hết sức coi trọng nguồn vốn đầu tư FDI từ các nhà đầu tư Đài Loan.
Phạm Tuấn