Kết nối cung cầu Hà Nội với 50 tỉnh, thành: Cần tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng
Công tác kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền trong những năm gần đây đã được tăng cường. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả và tạo sự lan toả rộng hơn nữa cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ và đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp (DN).
Tại “Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP.Hà Nội với gần 50 tỉnh, thành phố” chiều 1/12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, riêng năm 2016, Hà Nội đã kết nối với gần 50 tỉnh, thành phố và có trên 350 hợp đồng, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ DN các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương vào các hệ thống phân phối trên địa bàn.
[caption id="attachment_43540" align="aligncenter" width="700"]
Khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá, mất mùa giá tăng”
Cụ thể, Hà Nội đã chỉ đạo các hiệp hội, DN Thủ đô tổ chức một số chương trình giao thương với các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Thái Bình, Hưng Yên, An Giang, Cà Mau… Đồng thời, Hà Nội hỗ trợ 20 tỉnh, TP xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương.
Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức 3 Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền gồm “Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền các tỉnh Nam Bộ”, “Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền các tỉnh Bắc Bộ”, “Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản Việt”, qua đó DN Hà Nội và các tỉnh đã ký kết 30 hợp đồng tiêu thụ 1.800 chủng loại sản phẩm.
Việc tăng cường kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đem lại nhiều giá trị lớn về kinh tế- xã hội. Không chỉ giúp các DN và người nông dân có thị trường để tiêu thụ sản phẩm, chương trình ký kết này còn hỗ trợ tích cực cho Hà Nội trong việc bổ sung những sản phẩm cần thiết, nhằm đáp ứng tốt hơn sự phát triển của Thủ đô…
Hoạt động này không chỉ bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội còn góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. “Việc kết nối cung cầu hàng hoá đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương, hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo Phó GĐ Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, chương trình liên kết vùng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm qua đó giúp DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Đặc biệt, Sở Công Thương đã cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hà Nội và DN bán lẻ Hà Nội hỗ trợ DN các tỉnh cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ hiện đại.
DN lớn “bám rễ” vào các cơ sở sản xuất
Dù nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương được các DN phân phối lớn của Hà Nội đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại nhưng cho tới nay, còn ít những DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân. Sự kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa chặt chẽ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, trong thời gian tới DN cần tích cực tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng đầu tư vào mẫu mã, bao gói sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu hàng Việt bằng uy tín và chất lượng sản phẩm.
Đồng thời DN cần chủ động trong việc đưa hàng hoá đến với người tiêu dùng, trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước sự tràn lan của hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kết nối DN Hà Nội tăng cường phối hợp với DN các tỉnh tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội như điện tử, da giày, dệt may, cơ khí…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ngành về thông tin, định hướng cung cầu, hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chúng nhận như ISO, VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu đầu tư lĩnh vực chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, đây là một trong những hành động cụ thể, thiết thực để Hà Nội hiện thực hóa việc đầu tư và hỗ trợ DN phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất, có đầu ra sản phẩm ổn định. Do đó, bà Thoa đề nghị cần thúc đẩy hơn nữa việc cung cầu sản phẩm để tiến tới nhân rộng trên khắp cả nước. Các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu hàng hóa, phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Các DN ở Hà Nội tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của thành phố. Đồng thời, hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương trong hệ thống phân phối của DN, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất. Bên cạnh đó, UBND TP đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, chương trình kết nối cung-cầu mới chỉ là phần ngọn để chắp nối sản xuất đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối. Chương trình cần phải đi đến một kết quả mạnh mẽ hơn, đó là tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Các doanh nghiệp Thủ đô với lợi thế về công nghệ cần phải hỗ trợ cho doanh nghiệp các tỉnh thành nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng các quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có giá trị cao. “Các DN lớn nhất của Việt Nam phải trở thành trung tâm của chuỗi giá trị, “bám rễ” vào các cơ sở sản xuất, các DNNVV ở các tỉnh, thành, địa phương để đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng”, ông Lộc đề xuất.
Theo Nguyễn Minh Enternews