HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong dài hạn
HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 10%/năm trong giai đoạn 2016 -2030.
Báo cáo dự báo thương mại toàn cầu Việt Nam của HSBC cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã có một năm phát triển bền vững, tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước. Sự đa dạng cả về sản phẩm và thị trường là những yếu tố đứng đằng sau tăng trưởng bền vững này và HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn.
Theo báo cáo, 3 yếu tố sẽ hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu một cách mạnh mẽ là lực lượng lao động lớn và có chi phí thấp, chính sách hướng tới mở cửa thương mại và FDI và những yếu tố cơ bản của nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định.
“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,1% từ năm 2021 tới 2030, ít thay đổi so với giai đoạn 2015- 2020. Dòng FDI mạnh mẽ trong những năm gần đây góp phần đa dạng hóa xuất khẩu của Việt Nam và dần dần đưa đất nước thâm nhập vào các khu vực đóng góp giá trị cao hơn, đáng chú ý là thiết bị công nghệ thông tin hiện đang chiếm 25% trong xuất khẩu, tăng từ mức chưa tới 10% năm năm về trước. Đồng thời, lực lượng lao động lớn và đang tiếp tục gia tăng, trẻ và có tay nghề ngày càng cao tiếp tục hấp dẫn những nhà sản xuất các mặt hàng có giá trị không cao như quần áo và phụ liệu gia nhập thị trường Việt Nam”.– Báo cáo cho hay.
Cũng theo báo cáo này, tốc độ tự do hóa thương mại nhanh cũng đem lại lợi thế cho Việt Nam so với các nước còn lại của châu Á, Mỹ và châu Âu và góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Việt Nam là một trong 12 thành viên của TPP, một khối thương mại tự do vừa đạt được thỏa thuận ban đầu vào tháng 10 vừa rồi. Trong tháng 8, Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận về nguyên tắc về Hiệp định tự do thương mại với châu Âu và đang đẩy nhanh sự chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào ngày 01/01/2016.
Ngoài ra, các điều khoản về đầu tư và dịch vụ trong TPP sẽ đưa tới động lực để cải cách, đáng kể nhất là tự do hóa một số lĩnh vực quan trọng. Có thể thấy, cùng lúc với thời điểm gia nhập TPP, chính phủ thông báo sẽ dỡ bỏ mức trần sở hữu nước ngoài 49% trong nhiều lĩnh vực (mặc dù một vài lĩnh vực quan trọng như ngân hàng vẫn phải áp dụng mức trần).
Đặc biệt, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Tài khoản vãng lai đạt thặng dư kể từ năm 2011 và thậm chí trước khi giá nhiên liệu rớt, chính phủ đã kiểm soát lạm phát rất tốt trong năm 2013 và nửa đầu 2014. Tuy vậy, rủi ro vẫn còn ở mức cao, đặc biệt trong điều kiện triển vọng thị trường và thương mại thế giới còn mong manh. Cụ thể, cầu nội địa mạnh có thể tạo áp lực lên lạm phát, từ đó tạo áp lực tăng lãi suất lên ngân hàng trung ương. Và mặc dù đã có những cải cách trong những năm gần đây, khu vực nhà nước vẫn chiếm ưu thế trong phân bổ đầu tư và nền kinh tế vẫn cần những bước đi cởi mở hơn nữa để có thể tiếp tục phát triển.
Theo DĐDN