Hộ kinh doanh tạm nghỉ vì chưa kịp thích nghi thuế và hóa đơn điện tử
Hộ kinh doanh đóng cửa để chờ đợi, nghe ngóng thông tin về thuế
Từ đầu tháng 6.2025, tại một số chợ đầu mối, cửa hàng nhỏ lẻ ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... xuất hiện tình trạng nhiều hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động. Có người lấy lý do sửa sang quầy sạp, có người viện dẫn “đi du lịch hè”, có người thẳng thắn chia sẻ đóng cửa để tránh đội thuế và quản lý thị trường kiểm tra. Theo các chuyên gia, nguyên nhân thực chất đến từ tâm lý e ngại và chưa sẵn sàng thích nghi với quy định mới về hóa đơn điện tử.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) - xác nhận: “Trong thời gian lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, nhiều điểm kinh doanh - từ cửa hàng nhỏ đến các chợ đầu mối - đã phải tạm ngừng hoạt động. Một phần vì lo ngại bị kiểm tra, một phần vì sức mua yếu, nhưng đáng chú ý là sự dè dặt trước quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1.6”.
Theo quy định hiện hành, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hình thức ghi tay hay không xuất hóa đơn như trước. Điều này khiến nhiều hộ, cá nhân kinh doanh chọn cách “án binh bất động”, chờ đợi, nghe ngóng thêm thông tin, hướng dẫn cụ thể, thay vì ngay lập tức thích nghi.
Ông Sinh cho biết: “Một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ đã chủ động tuân thủ, nhưng vướng mắc lại ở khâu kết nối phần mềm, thiết bị đầu cuối. Có nơi hàng hóa chững lại chỉ vì chưa thể liên thông hóa đơn điện tử với cơ quan thuế”.
![]() |
Nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn khi liên kết trực tiếp hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Ảnh: Thanh Bình |
![]() |
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Thanh Bình |
Cần bước đệm cho hộ kinh doanh cất bước trước thay đổi mới
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Châu Đình Linh cho rằng việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai là một tiến trình không thể đảo ngược - đã nằm trong chiến lược cải cách của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là truyền thông chính sách chưa được đầy đủ, khiến nhiều hộ kinh doanh - đối tượng trực tiếp chịu tác động - hoang mang và hiểu sai.
“Chính sách mới buộc người kinh doanh phải vận hành đúng bản chất thị trường. Nhưng cần có lộ trình, khuyến khích và hỗ trợ rõ ràng”, TS Linh nhấn mạnh. Theo ông, cần phân biệt rõ giữa VAT - thu hộ Nhà nước, và thuế thu nhập - tính trên lợi nhuận, đồng thời nên tính thuế theo tỷ lệ doanh thu một cách hợp lý, có lộ trình tăng dần để tránh gây sốc.
Ông cũng lưu ý, việc kê khai, minh bạch không phải là gánh nặng nếu chính sách ổn định, thống nhất, truyền thông rõ ràng và tạo ra giá trị cho người tuân thủ. “Quyền lực thị trường giờ nằm trong tay người tiêu dùng. Nếu hộ kinh doanh không chấp nhận chuyển đổi số, không ứng dụng hóa đơn điện tử, ví điện tử, thanh toán không tiền mặt... họ sẽ bị khách hàng bỏ lại”, ông Linh cảnh báo.
![]() |
Nhiều kiốt mặt tiền chợ trung tâm Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đóng cửa vào sáng 5.6. Ảnh: Bảo Trung |
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú - Chuyên gia về Thuế cũng đề xuất, Nhà nước nên có chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian đầu, kết hợp hỗ trợ phần mềm, thiết bị, dịch vụ kế toán, để các hộ kinh doanh không cảm thấy bị bỏ mặc. Đồng thời, cần cụ thể hóa thêm chính sách hướng dẫn, hỗ trợ cho hộ kinh doanh qua nghị định, thông tư, thay vì chỉ dừng lại ở mức nghị quyết mang tính định hướng.
Tóm lại, việc minh bạch về thuế là xu thế không thể cưỡng lại. Nhưng để hộ kinh doanh theo kịp, Nhà nước cần điều tiết linh hoạt, không áp đặt cứng nhắc, để mục tiêu 2 triệu hộ chuyển lên doanh nghiệp đến năm 2030 không trở thành "cuộc chạy marathon không người tham gia".