Hành trình vực dậy mỏ Đại Hùng từ 1 USD lên 4 tỷ USD

Petrovietnam nhận chuyển giao mỏ Đại Hùng từ Tổ hợp Nhà thầu quốc tế sau khi các đơn vị này đánh giá mỏ không có hiệu quả kinh tế. Khi ấy, giá trị sổ sách của mỏ chỉ là... 1 USD.
Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3. (Ảnh: Petrovietnam)
Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3. (Ảnh: Petrovietnam)

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 vừa chính thức đưa vào khai thác dòng dầu đầu tiên với lưu lượng 6.000 thùng/ngày - về đích sớm 20 ngày so với kế hoạch hiệu chỉnh.

Theo Petrovietnam, nhìn lại lịch sử, năm 2003, Petrovietnam nhận chuyển giao mỏ Đại Hùng từ Tổ hợp Nhà thầu quốc tế sau khi các đơn vị này đánh giá mỏ không có hiệu quả kinh tế. Khi ấy, giá trị sổ sách của mỏ chỉ là... 1 USD. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, tinh thần tiên phong và quyết tâm tự chủ, Petrovietnam đã biến mỏ Đại Hùng thành biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển bền vững, mà việc dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 đón dòng dầu thương mại đầu tiên là minh chứng rõ nét, qua đó khẳng định vị thế vững chắc của Petrovietnam trong ngành công nghiệp - năng lượng Việt Nam.

Để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10/2003, theo đề nghị của Petrovietnam, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Người điều hành là Công ty Dầu khí Đại Hùng, tiền thân của Chi nhánh Điều hành Dầu khí trong nước (PVEP-POC) - đơn vị thành viên của PVEP. 

Giai đoạn đầu PVEP-POC tiếp nhận mỏ Đại Hùng gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của mỏ cũng như có lúc giá dầu chỉ còn có trên 10 USD/thùng, hầu như chỉ khai thác cầm cự, thậm chí những lúc có ý định ngừng hoạt động. Tuy nhiên, ở vào thế không thể lùi được nữa, PVEP-POC đã khẩn trương triển khai các hoạt động như khoan thăm dò thẩm lượng thêm các giếng mới, hoàn thiện các giếng đang khai thác, đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại từ đầu năm 2005 với sản lượng khai thác đã được nâng lên đáng kể sau khi kết nối thêm các giếng khai thác mới.

Gần đây, sản lượng khai thác bình quân hằng năm của mỏ Đại Hùng khoảng 2,6 - 2,8 triệu thùng dầu. Tính đến hết năm 2024, doanh thu đạt trên 4 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 600 triệu USD, đóng góp tích cực cho việc phát hiện và phát triển các mỏ lân cận, là cột mốc chủ quyền vững chắc của quốc gia. 

Theo Petrovietnam, Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 là dự án đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sản lượng khai thác tại mỏ Đại Hùng, nâng cao hệ số thu hồi, gia tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, Dự án cũng mở ra cơ hội tiếp tục thăm dò, mở rộng tại Lô 05.1(a) và các lô lân cận - một chiến lược dài hơi trong bảo đảm an ninh năng lượng và chủ quyền biển đảo quốc gia.

Dự án được triển khai hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước, với 100% cán bộ, kỹ sư và chuyên gia người Việt Nam từ các đơn vị chủ lực của Petrovietnam như Liên doanh Vietsovpetro, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), điều hành là Công ty PVEP-POC.

Việc một dự án phát triển mỏ ngoài khơi xa, có độ sâu hơn 110m, được thực hiện toàn bộ bởi người Việt là một bước tiến mang tính lịch sử, khẳng định năng lực làm chủ các công trình dầu khí lớn - lĩnh vực vốn yêu cầu trình độ kỹ thuật cao, sự phối hợp chặt chẽ và khả năng ứng phó với điều kiện vận hành khắc nghiệt.

Theo Pháp luật Việt Nam

Niềm tin là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế tư nhân

Để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh, đã đến lúc phải định vị lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân, cắt giảm rào cản hành chính. Đặc biệt, niềm tin chính là nền tảng cốt lõi, là chất xúc tác để kinh tế tư nhân bứt phá.

MWG đón sóng, thiết bị công nghệ và bán lẻ thực phẩm cùng bứt tốc?

Trong bối cảnh ngành bán lẻ Việt Nam đang từng bước phục hồi sau giai đoạn trầm lắng kéo dài hậu đại dịch, Thế Giới Di Động (MWG) - “ông lớn” của ngành hàng điện tử và tiêu dùng, đang nổi lên như một điểm sáng tăng trưởng nhờ loạt yếu tố thuận lợi hội tụ. Với chu kỳ thay mới thiết bị công nghệ đang đến gần, sức bật từ chuỗi Bách Hóa Xanh và chiến lược mở rộng thị trường quốc tế, MWG được đánh giá có nhiều cơ hội để bước vào một chu kỳ tăng tốc bền vững.

Doanh nghiệp nội tìm hướng tham gia các dự án trọng điểm quốc gia

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật cùng Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được xem là “chìa khóa vàng”mở cửa cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bứt phá, nắm bắt cơ hội tham gia vào hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.

NECS đồng hành cùng kỷ nguyên vươn mình sau sáp nhập tỉnh

Việc sáp nhập một số địa phương trong cả nước – tiêu biểu là Long An và Tây Ninh – không chỉ đánh dấu bước chuyển mình về mặt hành chính mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc chiến lược và nâng cao hiệu quả quản lý. Trong bối cảnh này, Công ty Cổ phần Kho lạnh Kỷ Nguyên Mới (NECS) tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành cùng kỷ nguyên mới vươn mình, với sứ mệnh xây dựng nền tảng logistics hiện đại phục vụ hiệu quả chuỗi cung ứng quốc gia.