Hà Nội tăng cường liên kết để tiêu thụ rau an toàn
Trong những năm gần đây, việc kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ lương thực, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tuy đã được tăng cường, nhưng khả năng sản xuất cung ứng chỉ đáp ứng được 55 – 60% nhu cầu người dân. Để thực sự hiệu quả và tạo sự lan toả rộng hơn nữa cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý, đặc biệt là vai trò của truyền thông, DN.
[caption id="attachment_66430" align="aligncenter" width="600"]
Tại Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội” vừa được tổ chức, Bà Nguyễn Thị Mai Anh, P.GĐ Trung tâm Xúc tiến ĐT,TM,DL TP. HN cho biết, thành phố đang rất quan tâm đến sản xuất và tiêu thụ RAT như, hỗ trợ người sản xuất, DN về kỹ thuật, bao bì mẫu mã sản phẩm, minh bạch thông tin, truy suất nguồn gốc, đưa công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất RAT, kết nối tìm đầu ra tiêu thụ cho RAT… Đặc biệt là giúp người sản xuất RAT thay đổi nhận thức, sự hiểu biết về quy trình sản xuất và chủ động trong phương thức marketing phân phối hàng.
Cơ hội lớn cho nhà sản xuất và nhà phân phối
Sau khi UBND TP.HN ban hành Quyết định số 2083/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP.HN giai đoạn 2009-2016” tháng 5/2009, Sở NN và PTNT HN đã tham mưu cho Thành phố ban hành Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 28/01/2010 về việc “Phê duyệt định hướng Quy hoạch mạng lưới sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP.HN đến năm 2020”. Cụ thể, Quy hoạch các vùng sản xuất RAT là căn cứ rất quan trọng giúp các địa phương định hướng phát triển sản xuất và đề xuất đầu tư cho sản xuất RAT. Định hướng đến năm 2020, diện tích sản xuất rau toàn Thành phố là 16.276,7 ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là 6.644,7 ha (trung bình 44,0 ha/vùng). Đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân... nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm RAT.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến ĐT,TM,DL, đến nay HN có khoảng 59.109 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó có 454 chợ phan bổ tại 30/30 quận, huyện, xã: 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại, trên 1 nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, rau an toàn, 66 cửa hàng cung cấp rau an toàn. Tổng diện tích sản xuất rau trên địa bàn thành phố khoảng 12 nghìn ha.
Đánh giá về tình hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Thành phố, bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT TP.HN nhìn nhận, chủng loại rau của HN rất phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô (nhu cầu rau xanh khoảng 1.000.000 tấn/năm), còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình,... Trong đó, diện tích rau an toàn được cấp giấy chứng nhận an toàn đạt 5.500 ha. Diện tích sản xuất rau hữu cơ 50 ha, diện tích sản xuất rau VietGap 224 ha. Sản lượng rau an toàn đạt gần 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng. Hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất rau thường từ 10-20%, giá trị sản xuất đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200 ha đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm (Sản xuất rau trong nhà lưới, rau trái vụ tăng từ 3-5vụ/năm).
“Rau cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ 1-2% số mẫu kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hàng năm phân tích 300-1.000 mẫu rau). Nông dân thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm” bà Thoa nói.
Vẫn thiếu sự liên kết
Trong khi đó, HN là thị trường tiêu thụ lớn với khoảng 10 triệu người tiêu dùng, nông dân có truyền thống sản xuất và được tiếp thu kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) liên tục 20 năm là nền tảng để giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV và đảm bảo ATTP. Do đó, HN cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân hàng năm rất lớn, trong khi khả năng sản xuất tại chỗ của ngành nông nghiệp mới đảm bảo khoảng 55 – 60% lượng lương thực thực phẩm.
Lý giải về thực tế trên, bà Thoa cho rằng, nguyên nhân là việc quản lý sản xuất RAT rất khó khăn do nông dân sản xuất qui mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn với trên 200 nghìn hộ. Diện tích 5.044 ha đã chứng nhận đủ điều kiện ATTP có 80 nghìn hộ sản xuất rau với 30% số hộ được huấn luyện IPM, còn 7.000 ha chưa chứng nhận đủ điều kiện ATTP có khoảng 120 nghìn hộ sản xuất rau, chưa được huấn luyện IPM. Mặt khác, số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV không ngừng tăng lên, hiện tại có 1785 hoạt chất và 4094 tên thương phẩm… Nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các qui định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho DN, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ RAT. Người tiêu dùng khó mua được rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Người sản xuất chưa bán được rau an toàn theo đúng giá trị, trong khi có rất ít DN kinh doanh, tiêu thụ; đồng thời HTXNN hầu như không có vai trò tiêu thụ rau an toàn cho nông dân.
Còn người tiêu dùng thiếu lòng tin với rau an toàn khi không thể phân biệt rau an toàn với rau không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các DN, nhưng có rất ít DN tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, theo đó là bất cập: gíá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi (xa nơi ở, phải gửi xe, bán vào thời điểm đi làm) dẫn tới phá sản.
Bà Thoa cho biết thêm, việc liên kết giữa DN, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của HTXNN rất hạn chế: mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh cho nên hầu hết không dịch vụ đầu ra cho nông dân. Cơ chế, chính sách sản xuất và tiêu thụ nông sản của Trung ương và Thành phố mới tập trung cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật với chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ lãi vay vốn; chính sách cho kinh doanh mới tập trung cho hội chợ; chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh rau an toàn như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng.
Nghị định số 38/2012/NĐ-CP phân chia trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế nhưng chưa có qui định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ rau lưu thông, thương mại; trong khi nông dân sản xuất rau quy mô nhỏ, rau đa số bán rong, bán tại các chợ xanh, chợ cóc, khu dân cư rất khó truy xuất nguồn gốc và việc quy đầu mối trách nhiệm trở nên không khả thi. Hệ thống chứng nhận chất lượng rau an toàn như VietGAP chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật rất phức tạp, chi phí áp dụng rất cao nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có thể tiếp cận, trong khi đó không thể có sản xuất qui mô lớn bởi hệ lụy không tích tụ được ruộng đất do sản xuất rau đang có giá trị cao, nông dân chưa sẵn sàng nhượng đất khi chưa có sinh kế khác hơn trồng rau; kế theo đó chưa có hệ thống chứng nhận chất lượng rau an toàn có sự tham gia của nhà kinh doanh và người tiêu dùng.
Ở góc độ truy xuất nguồn gốc hàng hoá chính xác tuyệt đối, Bà Phạm Thị Lý – GĐ Trung tâm DN Hội nhập và PT (IDE) đánh giá, trước thực trạng hàng giả hàng nhái tràn lan trên thị trường gây bức xúc cho nhà sản xuất và tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Việc những con tem chống hàng giả bị làm giả, những thông tin về các giải pháp chống giả chưa được kiểm chứng đang ngang nhiên công khai trên thị trường là một thách thức cho các nhà quản lý. Do vậy, cần có quy trình xác thực chống hàng giả để giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra hàng hóa một cách nhanh chóng và chính xác, cũng như cung cấp cho nhà sản xuất xu hướng tiêu dùng và quản lý thị trường một cách nhanh chóng để có kế hoạch phát triển thị trường, hoàn thiện sản phẩm cũng như chế độ sau bán hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. “Thông qua đó quy trình xác thực còn giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu cho các nhà sản xuất” bà Lý nhấn mạnh.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bà Mamyia Chiyo - Đồng trưởng nhóm tư vấn JICA chia sẻ: Việc gian lận trên thị trường làm người tiêu dung không tin tưởng, nên tăng cường truyền thông chia sẻ giữa các nhà sản xuất với nhau. Làm thế nào để người sản xuất tiếp cận được người tiêu dung, xây dựng độ tin tưởng giữa người tiêu dùng với người sản xuất thông qua sự trao đổi đối thoại.“Chúng ta có thách thức khác nhau mà các bên tham gia phải đối mặt. Các bên cần đồng hành với nhau để giải quyết các vấn đề đang tồn tại” Bà Mamyia Chiyo nói.
Còn ông Maruyama Hideki - Chuyên gia sản xuất tại Nhật Bản chia sẻ: Sản xuất rau an toàn ở Nhật người sản xuất và người mua cùng phối hợp hợp tác cùng sản xuất và phân phối rau an toàn đến người mua.
“Chúng tôi có vùng sản xuất lớn GAP để đảm bảo sự an toàn, ở Việt Nam người nông dân chưa biết nhiều đến GAP và áp dụng theo tiêu chuẩn của GAP. Ở Nhật họ tuân thủ coi an toàn là trách nhiệm của xã hội” ông Maruyama Hideki so sánh.
Ông Nguyễn Văn Hưng – TGĐ Công ty CP SX&TM Việt FARMER: Liên kết 3 nhà Hiện tại công ty đang cung ứng sản phẩm sinh học 63/63 tỉnh thành, cung cấp các loại sinh học hữu cơ cho ngừoi nông dân để sản xuất chăn nuôi trồng trọt. Đồng thời công ty giới thiệu một công ty khác bao tiêu sản phảm của ngừoi nông dân để tạo ra mối liên kết 3 nhà, nhà sản xuất, nhà tiêu thụ và nhà cung cấp vật tư. Cách làm như thế này sẽ an toàn cho người sản xuất, người nông dân, nhà phân phối và kiểm tra chéo được nhau. Thực tế qua việc phân phối sản phẩm sinh học hữu cơ, tôi thấy rằng cái khó nhất là tư duy sản xuất, ví dụ ngày xưa chúng ta tư duy sản xuất hữu cơ hoàn toàn nhưng sau năm 1986 lượng thuốc hoá học du nhập vào VN nhiều quá có dạng thuốc bị cấm và có loại không bị cấm, người nông dân thấy thuận tiện là dung. Để tạo lại tư duy ý thức cho người nông dân công ty sẵn sang chuyển giao lại công thức để người nông dân tự cải tạo, nhưng đa phần vẫn theo thói quen tuy ngừoi dân cũng bắt đầu có ý thức. Ông Nguyễn Mạnh Tùng – Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam: Tăng cường tuyên truyền quy trình sản xuất rau an toàn Hiện nay HTX thuê để sản xuất riêng là 2,5 ha, còn lại gần 74 ha chúng tôi chỉ đạo toàn bộ quy trình sản xuất cho bà con. Sau khi thu hoạch bà con nào có nhu cầu bán sản phẩm cho HTX thì chúng tôi thu mua lại. Với gần 74 ha chúng tôi trang bị cho bà con toàn bộ quy trình sản xuất cũng như trang bị cho bà con định hướng sản xuất sản phẩm hàng hoá theo thời vụ theo mùa vụ theo tháng. Hiện tại bà con tiêu thụ gần như hết sản phẩm khoảng 3 tấn/ ngày. Với HTX thì thị trường không quan trọng mà quan trọng là giúp cho người nông dân người sản xuất tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản thực phẩm an toàn, cũng là bảo vệ sức khoẻ của chính họ. Bởi cả quy trình, quá trình sản xuất ra đơn vị sản phẩm thì tất cả yếu tố quá trình nhiễm độc do việc sản xuất không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nó tác động trực tiếp vào bà con nông dân đến 80 – 99% mức độ ngộ độc néu như xảy ra. Chính vì vậy chúng tôi giúp người nông dân nhận thức được vấn đề này, do đó những năm gần đây bà con nông dân họ chấp hành tốt. Điều tôi trăn trở nhất là các cơ quan thông tin đại chúng cũng như định hướng của các cơ quan vẫn hướng đến việc giúp cho người tiêu dùng nhận biết được thế nào là rau an toàn. Còn quan điểm của tôi thì các kênh thông tin tuyên truyền hãy giúp cho bà con hiểu được tầm quan trọng của quy trình sản xuất ra rau an toàn để cho họ là người được bảo vệ nhiều nhất bởi vì họ là người nhiễm độc nhiều nhất. Như vậy đã có được sản phẩm rau an toàn rồi. |