Giải pháp nào để xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng
Xuất khẩu tiếp tục vượt khó
Căng thẳng thương mại và biến động địa chính trị ngày càng lan rộng trên thế giới đã có tác động không nhỏ đến hầu hết các quốc gia. Giá cước vận tải tăng tương tự giai đoạn dịch Covid-19 (2020-2021). Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá cước vận tải từ Châu Á sang bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng từ 2.000 USD lên hơn 4.000 USD cho một container 40 feet, do các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu trước khi thuế mới có hiệu lực. Xung đột địa chính trị tại Trung Đông, đặc biệt giữa Israel và Iran, làm tăng nguy cơ gián đoạn tuyến vận tải qua các eo biển chiến lược như Hormuz và Bab-el-Mandeb. Xung đột này đã đẩy giá cước vận tải và chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử và nông sản. Bộ Công Thương nhận định, nếu không có giải pháp kịp thời, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro chậm giao hàng hoặc tăng chi phí, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan từ các nước phát triển, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU; hay yêu cầu về môi trường và lao động của Mỹ, đặt ra thách thức lớn về tuân thủ đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ nguyên liệu thô đến sản phẩm hoàn thiện.
Việt Nam – quốc gia có nền kinh tế mở đã chịu tác động lớn từ những yếu tố trên, song vượt qua những thách thức, khó khăn cả trong và ngoài nước, xuất nhập khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn ghi nhận kết quả ấn tượng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 426-430 tỷ USD, tăng 15,5-15,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 215-217 tỷ USD (tăng 13,8-14%), nhập khẩu đạt 211-213 tỷ USD (tăng 17-17,2%) và xuất siêu ước tính 3,4-4,4 tỷ USD. Đây là minh chứng cho khả năng thích ứng của Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,8-11,1%, vượt xa mức 7,6% của cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may và nông sản giữ vững vị thế trên các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản. Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, như EVFTA và CPTPP, đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, EVFTA đã tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường EU với mức thuế ưu đãi, trong khi CPTPP mở ra cơ hội tại các thị trường như Canada và Mexico.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số hạn chế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể chỉ tăng 8,8%, chưa đạt mục tiêu 9% và xuất siêu 4,67 tỷ USD thấp hơn mục tiêu 5 tỷ USD. Những con số này phản ánh áp lực từ thị trường quốc tế, đặc biệt là chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sản xuất công nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng trong tháng 6/2025. Ngoài ra, sự mất cân đối trong cán cân thương mại với một số thị trường, như xuất siêu lớn sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc, đòi hỏi chiến lược điều chỉnh để đảm bảo phát triển bền vững.
![]() |
Việt Nam cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tối đa các hiệp định thương mại |
Những giải pháp chiến lược của Bộ Công Thương
Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, thương mại thế giới nổi lên 3 xu hướng rõ rệt: "phi toàn cầu hoá" hay phân mảnh trong thương mại quốc tế khiến cho các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại; bảo hộ thị trường thông qua các biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại; các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy; Cùng với đó căng thẳng địa chính trị thế giới còn nhiều biến động, tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu trong nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã sớm đề ra hàng loạt giải pháp chiến lược.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán với Hoa Kỳ để đạt được thỏa thuận thương mại bền vững, giảm thiểu tác động của thuế đối ứng. Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác sâu hơn các FTA với EU, Nhật Bản và các nước ASEAN. “Việc tận dụng hiệu quả các FTA là chìa khóa để Việt Nam mở rộng thị trường và giảm phụ thuộc vào một số đối tác lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Cục Phòng vệ Thương mại đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu từ ngày 21/2/2025, đồng thời phối hợp với Cục Hải quan để giám sát các hành vi gian lận xuất xứ. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ doanh nghiệp nội địa mà còn đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, tránh nguy cơ bị kiện tụng. Với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng và sự hỗ trợ từ các FTA, Việt Nam có cơ hội củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, môi trường thương mại hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo làn sóng bảo hộ, điều tra phòng vệ thương mại gia tăng buộc doanh nghiệp phải thích ứng nhanh và bài bản hơn với luật chơi quốc tế.
Tiếp tục rà soát và điều chỉnh Chiến lược Xuất nhập khẩu giai đoạn 2021-2030 để phù hợp với bối cảnh mới. Các giải pháp bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và lao động từ các thị trường phát triển.
Về triển vọng, các tổ chức quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, với quy mô kinh tế đạt 506 tỷ USD trong năm 2025. Nếu duy trì đà tăng trưởng hiện tại và ứng phó hiệu quả với các rủi ro bên ngoài, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% theo Nghị quyết 25. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cảnh báo rằng các yếu tố bất ổn như giá cước vận tải tăng, xung đột địa chính trị và chính sách bảo hộ từ các nước lớn vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi sự linh hoạt và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các hiệp hội. Bộ Công Thương, đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, từ đàm phán quốc tế đến hoàn thiện thể chế trong nước. Nhưng để biến thách thức thành cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tối đa các hiệp định thương mại. “Hành trình phía trước không dễ dàng, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì đà tăng trưởng và khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu”, một chuyên gia kinh tế nhận định.