GDP quý I/2019 tăng 6,79%
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019 do TCTK công bố nêu rõ, kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Hoạt động thương mại và đầu tư thế giới giảm, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc. Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường. Xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Trong nước, nhờ những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp.
Thông tin về một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019 của Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, nền kinh tế quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá với mức tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019.
Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút khách quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, số doanh nghiệp quy trở lại hoạt động cũng tăng cao. Thị trường trong nước ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần.
Mặc dù tăng thấp hơn so cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên theo ông Lâm ngoại trừ năm 2018 có bước tăng trưởng đột phá với nhiều yếu tố thuận lợi thì GDP quý I năm nay vẫn là mức tăng trưởng ấn tượng khi cao hơn quý I của các năm từ 2011 - 2017.
Kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019.
Công nghiệp và xây dựng đóng góp 51,2% mức tăng trưởng nền kinh tế
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,95 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,22%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,71%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 10,35%; 35,31%; 43,72%; 10,62%).
Trên góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 6,2%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất 5 năm gần đây
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2019, cả nước có 12.472 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 128,1 nghìn tỷ đồng, tăng 111,4% về số doanh nghiệp và tăng 33,1% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 37%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 153,7 nghìn người, tăng 174,1%.
Trong tháng 3, cả nước còn có 4.877 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 179,2% so với tháng trước; 1.373 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 51,4%; có 1.882 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 8,2%; 960 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 29,1%.
Tính chung quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%. Nếu tính cả 722,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm 2019 là 1.098 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2019 lên hơn 43,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2019 là 317,6 nghìn người, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong quý I/2019 hầu hết các lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Có 10,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có (chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 15,4%; 3,8 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,4%), tăng 5,6%; 3,6 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 10,7%; 2,4 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,3%), tăng 17,3%; 1,7 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,9%), tăng 3,9%; 1,5 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,4%), tăng 26,3%... Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,5%), giảm 7,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 290 doanh nghiệp (chiếm 1%), giảm 14,2%; khai khoáng có 128 doanh nghiệp (chiếm 0,4%), giảm 8,6% và vận tải, kho bãi có 1 doanh nghiệp, giảm 99%.
Trong quý I năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 8,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,4% (vốn đăng ký đạt 85,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 4 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,7% (vốn đăng ký 37,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%); Tây Nguyên 753 doanh nghiệp, tăng 15% (vốn đăng ký 9,4 nghìn tỷ đồng, tăng 129,3%); Đông Nam Bộ 11,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2% (vốn đăng ký 217,1 nghìn tỷ đồng, tăng 64,7%); Đồng bằng sông Cửu Long 2,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3% (vốn đăng ký 10,4 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9%). Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng 29%).
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có 5,8 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 39,1%), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; có 2,2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,6%), tăng 15,5%; 1,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), tăng 16,7%; có 906 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,1%), tăng 26,9%; có 873 doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 5,9%), tăng 21,1%; có 724 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,9%), tăng 15,7%... Trong quý I năm nay còn có 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 8.404 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động, chiếm 54,8% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 3.378 doanh nghiệp, chiếm 22% và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,8% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 23%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 42,4%), tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 421 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), giảm 2,8%; xây dựng có 401 doanh nghiệp (chiếm 9,7%), tăng 23,4%.
Đa số doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2019 cho thấy: Có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 25,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 40,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II/2019 có 54,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 10,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đánh giá lạc quan nhất khi có tới 91,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2019 tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước lần lượt là 86,8% và 88,8%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2019, có 59,2% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 45% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,5% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,1% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 22,3% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.
Về khối lượng sản xuất, có 35,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2019 tăng so với quý trước; 28% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 36,9% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Xu hướng quý II/2019, có 55,7% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 10,3% số doanh nghiệp dự báo giảm và 34% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 31,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2019 cao hơn quý trước; 25% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 43,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định[15]. Xu hướng quý II/2019, có 51% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 9,6% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 39,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 29% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu quý I/2019 cao hơn quý trước; 21,4% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 49,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý II/2019 có 43,3% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 46,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.