GDP bao giờ đạt chuẩn?
Trong buổi làm việc với Tổng cục Thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại tiếp tục nhắc đến sự “méo mó” của các con số thống kê, mặc dù cách đây hơn một tháng, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, thống kê là ngành quan trọng giúp kiểm tra, giám sát nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, số liệu thống kê vẫn có sự chênh lệch rất lớn.
Cát cứ vì thành tích
Đơn cử, trong khu vực kinh tế biên mậu, chỉ tính riêng sản lượng lợn xuất khẩu, Bộ NN&PTNT công bố số liệu 200.000 tấn, trong khi Bộ Công Thương lại đưa ra 300.000 tấn. “Vậy số liệu tính vào tăng trưởng kinh tế xã hội là số nào?” – Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải than thở, trong nhiều lần làm việc với các tổ chức quốc tế, ông có viện dẫn các con số thống kê nhưng ông rất băn khoăn vì các con số này rất vênh nhau giữa các nguồn.
Độ vênh này thể hiện rõ nhất về chỉ số GDP. Hiện đang tồn tại hai chỉ số của cả nước và của địa phương (GRDP). Theo quy định, một công trình được xây trên tỉnh nào thì tính vào GRDP cho tỉnh đó nhưng vì DN xây dựng lại đến từ tỉnh khác nên quyết toán xong vẫn mang báo cáo về tính vào địa phương DN này đặt trụ sở, dẫn tới tình trạng GRDP ở các địa phương được báo cáo đều tăng trưởng hai con số trong khi GDP của cả nước chỉ 6 – 7%, thấp gần ½ lần.
Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp che giấu, hạn chế chia sẻ, thậm chí “cát cứ”, không muốn khai thật số liệu. Thậm chí, người đứng đầu ngành thống kê còn chỉ rõ trường hợp Bộ Tài Nguyên và Môi trường không hợp tác cung cấp số liệu quản lý khiến việc báo cáo lên Trung ương năm 2015 bị chậm, số liệu trong niên giám thống kê bị thiếu chỉ số về đất đai. Đại diện Cục Thống kê Phú Thọ còn chia sẻ, ở địa phương, ngành thống kê chịu rất nhiều áp lực khi công bố số liệu thật với cấp ủy. Nhiều khi “phải lựa” để công bố con số, nếu không muốn bị cô lập. Đấy là chưa kể về phạm vi, Cục Thống kê địa phương không đủ thẩm quyền với các ngành, DN hoạt động liên tỉnh như ngân hàng…
Xóa bỏ cách nào?
Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ký ban hành một loạt Nghị định liên quan tới lĩnh vực thống kê: Nghị định số 94/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 95/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; Nghị định số 97/2016/NĐ-CP Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Các văn bản pháp luật trên đều đưa ra các giải pháp, lấp các lỗ hổng trong Luật Thống kê và các tồn tại mà chính các đại diện ngành thống kê đã “than thở” với Phó Thủ tướng trong cuộc gặp mặt tháng 8.
Đáng chú ý, Nghị định 94 chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê cấp tỉnh, trung ương; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trách nhiệm của Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về việc phổ biến thông tin thống kê; Quy trình xây dựng và ban hành, điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành liên quan. Nghị định 97 quy định rõ nội dung của 186 chỉ tiêu thống kê thuộc 20 nhóm, ngành mà các Bộ ngành phải cung cấp thông tin. Nghị định số 95/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Các văn bản này được kỳ vọng là những chế tài có sức nặng để việc thống kê được đi vào đúng thực chất, khắc phục những hạn chế như: Nộp chậm và không nộp báo cáo thống kê , tính và áp dụng sai phương pháp thống kê, vi phạm về việc sử dụng biểu mẫu thống kê, cung cấp không kịp thời thông tin thống kê, báo cáo sai sự thật…
Tuy nhiên, theo TS Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), các hạn chế trên chỉ có thể khắc phục khi con người thực hiện phải quyết liệt. Cán bộ thống kê gian dối phải bị xử nghiêm theo quy định, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Vẫn cần cơ chế hậu kiểm
Hiện nay, theo cơ chế hành chính, Tổng cục Thống kê thuộc điều hành và quản lý của Bộ KH &ĐT. Do vậy, mặc dù đã có những chế tài đặc thủ cho ngành này nhưng vẫn không mang lại “sức nặng” khi quan hệ với các Bộ ngành liên quan. Trường hợp Bộ Tài Nguyên và Môi trường “không hợp tác” tới yêu cầu của ngành thống kê như người đứng đầu ngành này đã bức xúc nói ra là một ví dụ cụ thể.
Để chấm dứt tình trạng này, TS Lưu Bích Hồ cho rằng cơ quan thống kê cần phải hoạt động độc lập và không chịu sự quản lý của hệ thống chính quyền tại địa phương. Hiện nay, mô hình này được áp dụng khá thành công tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp. Chỉ khi là cơ quan độc lập thì mới có chế tài yêu cầu bộ ngành cung cấp số liệu và công khai, minh bạch. Bộ, ngành nào vi phạm bị xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại cho rằng, để bảo đảm vị trí độc lập và giá trị thông tin của cơ quan thống kê, không quan trọng cơ quan này phải đặt ở đâu mà quan trọng là tính độc lập, trung thực trong chuyên môn, nghiệp vụ. Ngành thống kê phải công khai, minh bạch các thống kê để bảo đảm hiệu quả con số, tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, người dân giám sát chất lượng thông tin và chịu trách nhiệm cuối cùng về con số này.
Do vậy, trong bối cảnh các con số thống kê chưa đạt chuẩn thì việc chuyển tính GRDP từ địa phương về cho Tổng cục thống kê từ năm 2017 là cần thiết. Nhưng về lâu dài, Tổng cục thống kê chỉ nên làm mẫu một hai năm đầu, xây dựng các nguyên tắc tính toán, rồi chuyển giao cho địa phương. Cùng với đó là hậu kiểm để tránh mỗi nơi tính một phách và tránh được tình trạng “ôm” hết công việc chuyên môn của cấp dưới.
Theo Tuấn Thanh (DĐDN)