Đổi mã vùng điện thoại cố định
Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào ngày 17-6- 2017.

Quay số song song
Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ ảnh hướng lớn nhất đến Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), vì đây là nhà mạng có số thuê bao cố định lớn nhất.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm nhấn mạnh trong quá trình xây dựng kế hoạch đổi mã vùng, Bộ TT-TT cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khảo sát, đánh giá năng lực của các hệ thống. Sau đó, thử nghiệm hệ thống trên thực tế, phải phối hợp cùng nhau thử nghiệm giải pháp quay số song song. “Khi các doanh nghiệp viễn thông báo cáo đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như sự phối hợp của các doanh nghiệp với nhau, Bộ trưởng Bộ TT-TT mới ký quyết định ban hành kế hoạch” - ông Tâm nói.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng lưu ý trong quá trình chuyển đổi, tính khả thi của kế hoạch phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng, giải pháp kỹ thuật của các nhà mạng. Đặc biệt là với giải pháp quay số song song, hỗ trợ người dân trong giai đoạn ban đầu quay theo cách cũ hay mới, các cuộc gọi vẫn thành công (thời gian bắt đầu quay số song song vào 00 giờ ngày 11-2-2017 và kết thúc quay số song song vào 23 giờ 59 phút ngày 12-3-2017).
Sau khi kết thúc giai đoạn quay số song song, người dân nếu quay số theo cách cũ vẫn nhận được âm báo mã vùng cũ đã được thay đổi sang mã mới, nhận được hướng dẫn gọi theo số chính xác (thời gian bắt đầu duy trì âm báo vào 00 giờ ngày 13-3-2017 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 14-4-2017).
Các doanh nghiệp viễn thông cũng phát tờ rơi, cung cấp thông tin các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông về vấn đề chuyển đổi mã vùng… Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng phần mềm hỗ trợ để người dân có thể chuyển đổi đầu số trong danh bạ của mình.
Thống nhất độ dài quay số
Theo Cục Viễn thông, hiện phần lớn kho số được sử dụng cho thuê bao điện thoại cố định, chỉ rất ít còn lại cho thuê bao di động, trong khi số thuê bao di động đang chiếm khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam. Như vậy, hiệu quả sử dụng kho số chưa cao, điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính. Bên cạnh đó, trong những năm qua, do việc chia tách và hợp nhất tỉnh/thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán (có tỉnh có mã vùng dài 3 chữ số, tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số). Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Do đó, việc điều chỉnh mã vùng, mã mạng không chỉ giải quyết bất cập mà có tính toán cho các lợi ích lâu dài. Bởi sau khi thực hiện điều chỉnh, độ dài quay số khi gọi liên tỉnh hoặc gọi từ di động đến thuê bao cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số. Các tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào một nhóm mã vùng (chẳng hạn nhóm mã vùng 20x là các tỉnh khu vực Đông Bắc). Sau khi thực hiện điều chỉnh, tất cả các mã vùng được đưa về đầu 2, sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số. Điều này góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số trong thời gian qua. Bên cạnh đó, toàn bộ đầu mã 1x sẽ được dùng cho thuê bao di động, có được hàng tỉ số phục vụ cho phát triển internet vạn vật (IoT) lâu dài.
Việc chuyển đổi mã vùng cũng là một bước thực hiện quy hoạch kho số viễn thông nhằm bảo đảm tài nguyên viễn thông được sử dụng hiệu quả.