Doanh nhân Việt tư duy thế nào trong hội nhập!
Tham gia vào TPP, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào hội nhập sâu rộng trên diện rộng. Việc tư duy kế hoạch, chiến lược, sản phẩm cho một thị trường 90 triệu dân, hay có chiến lược cho một thị trường toàn cầu với hàng tỷ khách hàng là hoàn toàn khác nhau. Dù bước ra biển lớn hay “bơi” trong ao làng, thì đòi hỏi doanh nhân vẫn là chữ “Tài” và “Tâm”.
Việt Nam đã chính thức ký kết rất nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước, nền kinh tế có quy mô lớn trên toàn cầu. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn ra thế giới, tiếp cận thị trường hàng tỷ khách hàng có thu nhập cao.
Vươn ra biển lớn bằng cách nào?
Giới doanh nhân Việt Nam hào hứng chào mừng ngày 13/10 bằng niềm vui rất lớn là tham gia cuộc chơi toàn cầu TPP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chúng ta chủ yếu là nhỏ và vừa, mới làm ăn, kinh doanh được vài chục năm, nên vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm trên thương trường. Vì vậy, việc vươn ra biển lớn quá nhanh thì sẽ phải đối mặt với thách thức nhiều hơn là cơ hội.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), trải qua 30 năm nền kinh tế chuyển đổi, bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư duy cho và nhận của thời bao cấp. Với tư duy nhận và cho còn hằn sâu trong nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đóng góp hơn 40% GDP, 60% lao động, song cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho nên, các doanh nghiệp nhỏ chỉ phục vụ phạm vi trong nước còn khó khăn, chứ chưa nói đến cạnh tranh ra biển lớn.Có rất nhiều doanh nghiệp chỉ biết đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP gần đây. Điều đó cho thấy, việc tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu được vai trò của mình, nguy cơ trong cộng đồng lớn còn bỏ ngỏ. Ý thức của doanh nghiệp, vai trò của Hiệp hội chưa cao, chưa chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp đang sống trong bối cảnh mới với cơ hội và sức ép cạnh tranh nhiều hơn, nên ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, cho rằng việc phòng thủ hay tấn công tùy thuộc vào nội lực của từng doanh nghiệp, từng ngành nghề và cá tính của từng lãnh đạo doanh nghiệp.“Chúng ta muốn phòng thủ nhưng không có đủ lực thì cũng không thể phòng thủ được. Còn ta muốn tấn công nhưng nếu không có con người thì không thể tấn công được. Rất khó để có giải pháp chung cho bài toán này, nhưng rõ ràng ta đang sống trong thời đại có nhiều thách thức. Nếu vẫn giữ tư duy ta có thể làm dễ dàng như đã từng làm, thì sẽ rất khó để tồn tại”, ông Tín nói.
Ông Tín cho rằng các doanh nghiệpnếu không xác định ta có gì trong tay, mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, đối tượng của ta là ai và ta muốn làm gì trong tương lai, thì làm sao có thể tấn công hay phòng thủ. Mỗi doanh nghiệp phải tự hỏi, tự quyết định số phận của mình. Phải xác định ta là ai thì mới có thể làm gì được. Để tư duy với một thị trường sân nhà, hay vươn ra biển lớn đều phụ thuộc vào năng lực của mỗi DN và cách nhìn của nhà lãnh đạo. Qua đó có cách làm việc thông minh hơn và phát huy lợi thế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho rằng, doanh nghiệp hãy nghĩ đến một sân chơi lớn, một thị trường lớn hơn với những thách thức lớn hơn để nhập cuộc tốt nhất với sự năng động của chính mình.
Vẫn còn “dị biệt” với thế giới
Chúng ta còn nhiều dị biệt quá, điều này cản trở hội nhập và làm hội nhập kém hiệu quả. Đổi mới là mệnh lệnh của cuộc sống nhưng cần theo các chuẩn quốc tế. Vì vậy, mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải có sự đột phá, sáng tạo của riêng mình.Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Nguyên Giám đốc Chiến lược Công ty cổ phần Tập đoàn FPT cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa có thay đổi gì về tư duy đột phá hay sáng tạo; hầu hết các doanh nghiệp vẫn ngồi trách cứ, đổ lỗi cho cơ chế, chờ đợi những hợp đồng thay vì tự đi tìm kiếm và đây là tư duy cũ, lỗi thời không thể tồn tại trong xã hội hiện đại.
Theo ông Hòa, hội nhập đang diễn ra một cách ồ ạt, nhanh chóng, nhưng lợi ích và cơ hội rất thấp. Hội nhập sâu rộng là cuộc chơi sòng phẳng, có tốt, có xấu, có cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp, vị thế yếu cả quy mô và trình độ, thì việc gia nhập TPP Việt Nam có thể gặp phải những bất lợi nhiều hơn cơ hội.Năng lực cạnh tranh là giá trị cốt lõi của hội nhập, nhưng chưa có sự thay đổi; trong khi động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên, khoáng sản, bất động sản, dựa vào đầu tư nước ngoài và dựa vào nguồn lực từ nhân công giá rẻ chứ không phải trí tuệ, sự sáng tạo, tri thức để cạnh tranh với thể giới thì đó chính là sự tụt hậu ghê gớm.
“Tri thức phải là sức mạnh thực sự buộc mỗi doanh nhân phải tìm tòi, sáng tạo, chứ không phải Chính phủ. Đừng đổ lỗi cho cơ chế. Trong mỗi doanh nghiệp của các bạn, tại sao tỷ lệ các sản phẩm hỏng, sản phẩm lỗi, phí phạm lại cao gấp 20 lần so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở các nước khác. Lỗi này đừng đổ cho Chính phủ, lỗi này là do quản trị của chính từng doanh nghiệp” ông Hòa nhận xét.
Chuyên gia này cũng cho rằng chính sách cải cách và cấu trúc nền kinh tế không tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà lại tập trung vào các hoạt động công, cho doanh nghiệp nhà nước, hoặc dành những ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ biết phải tự bơi ra biển lớn như thế nào. Các hiệp định thương mại được đàm phán rất nhiều, nhưng chủ thể chính là các doanh nghiệp lại không thấu hiểu bao nhiều thì đó là thất bại lớn.
Mệnh lệnh đổi mới
Thực tế, Việt Nam hiện chưa có chính sách cho tư nhân đột phá, tạo vị thế dẫn đầu, cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện tại, rất cần đến chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự phấn khích trong xu thế hội nhập và phát triển. Vấn đề đặt ra làdoanh nghiệp sẽ phòng thủ hay tấn công; sẽ chủ động trong cuộc chơi hay giữ sức để có thêm năng lực cạnh tranh nhiều hơn?
Theo chúng tôi, chính sách chỉ là nền tảng để doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Bởi khi có một nền tảng chính sách tốt, cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Mỗi doanh nhân phải hội đủ những yếu tố thuận lợi, năng lực cạnh tranh, nguồn lực, thì dù ở sân nhà hay vươn ra biển lớn, doanh nghiệp cũng sẽ đủ sức vươn ra thị trường.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định, hiệp định TPP mở ra một cánh cửa mới rộng, sâu hơn, buộc các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không thể “dẫm chân tại chỗ” mà phải có sự thay đổi về chất.Đổi mới và hội nhập mở ra chân trời mới cho doanh nhân Việt Nam để bước ra thế giới bên ngoài, hòa vào dòng chảy chung với doanh nhân các nước và đón nhận những cơ hội khi họ vào Việt Nam làm việc. Một khi thị trường mới mở ra, sản phẩm, dịch vụ tăng thêm, giới doanh nhân được tiếp cận, cọ xát, cạnh tranh, học hỏi được rất nhiều từ đối tác bên ngoài; nếu không có sự cọ xát, cạnh tranh và hợp tác đó, rất khó để các doanh nhân có thể trưởng thành.
Ở Việt Nam, nhiều người bước vào kinh doanh do tự phát hoặc chủ yếu là cuộc sống mưu sinh mà không qua trường lớp đào tạo. Động lực của doanh nghiệp là muốn làm giàu, thoát khỏi khó khăn cho gia đình. Kinh doanh làm con đường mưu sinh và chịu khó học hỏi dần. Nhiều người tự đào tạo, tự phát triển bản thân. Do vậy, hội nhập sẽ tạo ra sức ép và cơ hội để doanh nhân, doanh nghiệp Việt xác định tham gia vào con đường kinh doanh một cách vững chãi hơn.
Hội nhập vào TPP chắc chắn đòi hỏi doanh nhân phải thay đổi. Các cơ quan Nhà nước, chính sách pháp luật có chậm chạp thì doanh nhân buộc phải thay đổi mình để thích ứng với điều kiện mới. Càng ngày, cấp độ cao hơn, phạm vi rộng hơn yêu cầu chất lượng cạnh tranh càng lớn. Với TPP đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân Việt cần có bước chuyển về chất mới có thể vượt lên được.Nếu những bước hội nhập trước đây như tham gia hiệp định ASEAN, WTO mở ra diện rộng thì TPP là hiệp định thay đổi rất lớn về chất. Đó là lý do thế giới gọi TPP là hiệp định của thế kỷ, là FTA chất lượng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam là người tham gia vào sân chơi chất lượng này buộc phải hội nhập, thay đổi để thích ứng và cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh mới.
Lê Hoàng