Doanh nghiệp phân bón có nguy cơ phá sản?

Ông Nguyễn Hạc Thúy – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã khẳng định như vậy và cho biết thêm, Luật 71/2014/QH13 (Luật 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực từ 1/1/2015 khi đi vào cuộc sống không chỉ làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn gây bất lợi cho người nông dân.

[caption id="attachment_35240" align="aligncenter" width="670"]Luật 71/2014/QH13 (Luật 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế khi đi vào cuộc sống không chỉ làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn gây bất lợi cho người nông dân. Luật 71/2014/QH13 (Luật 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế khi đi vào cuộc sống không chỉ làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn gây bất lợi cho người nông dân.[/caption]

Theo Luật 71, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón. Còn các doanh nghiệp đầu vào mua các hàng hóa, máy móc, vận chuyển, vật tư, chi phí lao động và xây dựng nhà xưởng…không có tên phân bón thì thuế VAT đầu vào không được khấu trừ.

Bình quân 6,5-7% thuế VAT không được khấu trừ này, doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải cộng vào giá thành, dẫn đến đội giá phân bón lên cao hơn và chính người nông dân lại phải chịu từ việc nâng giá thành này.

Doanh nghiệp chịu thiệt hại

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, hệ lụy của Luật 171 tác động lớn làm việc nhập khẩu phân bón nước ngoài vào Việt Nam diễn ra một cách ồ ạt vì các mặt hàng thế giới đều hạ. Cụ thể, giá than hạ hơn 40%, giá khí hạ, giá phân bón u rê hạ 42,25%, giá phân DAP hạ 25%, giá phân kali hạ 19%…Trong khi đó thị trường trong nước giá nguyên liệu sản xuất phân bón như giá tan, giá khí vẫn đứng yên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chịu Luật 71 thuế VAT đầu nên lượng các loại phân bón giá rẻ lại càng tăng.

Ông Thúy lấy dẫn chứng, từ khi thực hiện Luật 71 từ tháng 1/2015, nhập khẩu phân ure tăng 652 nghìn tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. 7 tháng đầu năm 2016 lượng ure nhập khẩu tăng gần 500 nghìn tấn, tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

“Lượng nhập khẩu tăng vọt này đã làm cho nhiều nhà máy sản xuất trong nước buộc phải giảm công suất tối đa như nhà máy Đạm Ninh Bình, công suất từ 550.000 tấn xuống 150.000 tấn. Điều đáng nói, dù đã giảm công suất nhưng sản phẩm vẫn không bán được, thiệt hại năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 2.042 tỷ đồng, trong đó có thiệt hại do Luật 71” – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết.

Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Công ty Super phosphat Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán ra khoảng 3.000 tấn, nay chỉ bán được khoảng 2.000 tấn…; Công ty phân đạm Hà Bắc công suất 550 ngàn tấn giảm công suất xuống 40%, giá Ure bán ra giảm 20%. Theo tính toán, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, thiệt hại khoảng 880 tỷ đồng, trong đó theo tính toán của doanh nghiệp là có thiệt hại vì luật 71 VAT.

Bên cạnh đó, các nhà máy DAP Đình Vũ, Lào Cai có công suất 660 ngàn tấn, cũng phải giảm sản lượng xuống 40%, giá DAP bán ra giảm 18%…Thiệt hai của Công ty DAP Đình Vũ khoảng 120 tỷ đồng, thiệt hại của Công ty DAP Lào Cai khoảng 125 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có tổng sản lượng phân bón ure, DAP, NPK, lân super, lân nung chảy, phân bón khác…chiếm gần 70% trên tổng số lượng sản xuất xuất cả nước. Trong đó, các công ty Đạm Ninh bình, Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai cũng đã bị thiệt hai nặng nề.

Cũng theo số liệu của Hiệp hội Phân bón VN, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Công ty phân ure Cà Mau, Công ty Phân bón miền Nam, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông Thanh Hóa, Tập đoàn Quế Lâm, Tổng công ty Sông Gianh và nhiều đơn vị khác…hầu hết đều chịu thiệt hại.

“Làm sao không thiệt hại, không lỗ được. Nếu tình trạng này cứ để kéo dài thì các công ty, nhà máy nêu trên dễ có nguy cơ đóng cửa”, ông Thúy nhận định.

Cần sớm sửa đổi Luật 71

Có thể thấy một loạt Nghị định, trong đó có Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Thông tư về quản lý, tổ chức kiểm định phân bón hiện nay, cho đến Luật 71/2014/QH13 đều chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó nội dung, tiêu chí, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe khiến thị trường phân bón đang trở nên khó kiểm soát, gây khó khăn, thiệt thòi cho doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng.

Từ thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng cần phải sớm sửa đổi Luật 71 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản đề nghị sửa Luật 71 để kịp thời bù đắp sự thiệt thòi cho nông dân và giảm thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất phân bón. Mới đây, ngày 12/7/2016 Bộ Công Thương tiếp tục có đề nghị Chính phủ và Quốc hội sửa Luật 71.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam – Đại diện cho gần 70 triệu nông dân cũng đã có công văn số 1894/CV ngày 3/8/2016 gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Luật 71 thuế VAT đối với mặt hàng phân bón theo hướng có lợi cho nông dân. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất phân bón bảo đảm về chất lượng cao, giảm giá thành sản xuất, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp.

“Đề nghị sửa đổi Luật 71/2014/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bù đắp sự thiệt thòi của người nông dân và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất phân bón. Đồng thời là yếu tố quan trọng động viên giúp đỡ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn phân bón trong nước, giá thành hợp lý mới là thiết thực, phục vụ nông nghiệp tốt hơn” – Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón nhấn mạnh.

Theo Nam Phong (Enternews)

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video