Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Đến nay, mạng lưới đã có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia, phủ khắp tất cả các châu lục và khu vực. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung. Đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
UNESCO đã giới thiệu một số ví dụ điển hình như vậy từ các thành phố trên thế giới là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo như thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), thành phố Rome (Italia), thành phố Llíria (Tây Ban Nha)… Việt Nam hiện có 3 thành phố được công nhận danh hiệu Thành phố Sáng tạo của UNESCO gồm Hà Nội, Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Trong đó, năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của UCCN với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sau khi Hà Nội, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một thành phố sáng tạo âm nhạc là Đà Lạt và một thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian là Hội An.
Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường cho biết thêm: “Việc phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân thành phố, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT-DL) là cơ quan chủ trì triển khai Đề án, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam giữ vai trò tư vấn chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ, thực hiện các cam kết gia nhập UCCN… Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm sẽ có tối đa hai thành phố của Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 đến 6 thành phố được công nhận là thành phố sáng tạo UNESCO.
Các Thành phố sáng tạo của UNESCO hứa hẹn mang đến những đóng góp thực tế nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc thông qua tư duy và hành động đổi mới. Thông qua cam kết của mình, các thành phố trong mạng lưới theo đuổi nỗ lực phát triển bền vững, qua đó đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư trong đô thị.