Đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 theo lộ trình

Thông tin trên được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đưa ra tại Hội nghị thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ I diễn ra vào sáng 19/11 tại Phú Quốc.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam tại Hội nghị thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Chủ tịch Nguyễn Trần Nam tại Hội nghị thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Sẽ đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2

Theo Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, việc đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ làm tăng thu ngân sách cho nhà nước bởi về mặt cảm quan thì ở Việt Nam số người sở hữu 2 – 3 nhà không phải là ít, những người này nộp thuế thì đương nhiên sẽ tăng ngân sách.

Thứ hai, nếu đánh thuế nặng thì nhiều người sẽ không mua nữa. Sức cầu không vì thế giảm vì nhu cầu mua nhà của các hộ gia đình trẻ còn rất lớn. Nhu cầu này sẽ chuyển dịch do vậy cung của thị trường từ nhà to, nhà đắt tiền thành nhà ở rẻ hơn cho các hộ gia đình còn khó khăn, cơ hội của người dân được tiếp cận nhà ở tăng.

Ông Nam cho biết, việc đánh thuế nhà ở của Việt Nam đang chậm trễ so với các nước trên thế giới tuy nhiên thời điểm này áp dụng thì chưa hợp lý. "Trước mắt quy định này cần phải thảo luận kỹ, sau đó đưa vào kế hoạch trình Chính phủ, nếu thông qua cũng phải chờ thêm 6 tháng để quy định có hiệu lực. Do vậy độ trễ cũng phải mất từ 1 - 2 năm” – ông Nam cho biết.

Liên quan đến nhà ở xã hội, ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT CEO Group cho rằng, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc hiện nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội gặp khó vì không bán được hàng, còn những người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà vẫn ngóng gói tín dụng kế tiếp. Do vậy Hiệp hội cần lên tiếng mạnh mẽ để có thêm nguồn vốn hỗ trợ người dân mua nhà, qua đó các doanh nghiệp cũng bớt khó khăn.

Sắp có nguồn vốn cho người nghèo mua nhà

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NOXH) của Chính phủ đã quy định hai nguồn vốn để phát triển NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán NOXH với các điều kiện ưu đãi. Nguồn vay thứ 2 được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Ngân hàng này sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua NOXH với lãi suất tối đa 5%.

Như vậy, thay cho gói 30.000 tỷ đồng, sẽ có 2 gói vay không giới hạn quy mô, thời gian vay với lãi suất thấp dành cho người mua NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ. Người có nhu cầu mua NOXH có thể yên tâm.

Mặc dù cơ chế, chính sách đã có nhưng để những chính sách này được đưa vào thực tế thì cần một “độ trễ” nhất định. Sở dĩ đến thời điểm này nguồn vốn cho nhà ở xã hội vẫn “nằm trên giấy” bởi 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, quy định các ngân hàng thương mại phải tạo lập một quỹ cho vay NOXH là ý tưởng khó khả thi. Bởi lẽ, trên thực tế các ngân hàng thương mại hiện cũng đang gặp không ít khó khăn nên việc dành vốn ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội sẽ là đòi hỏi thiếu thực tiễn.

Thứ hai, Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện không chỉ tập trung cho vay nhà ở cho người thu nhập thấp mà còn nhiều chương trình khác như: Nông nghiệp, hướng nghiệp, phát triển kinh tế biển, hỗ trợ sinh viên… nên nguồn vốn bị phân bổ rải rác, không tập trung.

Thứ ba, các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa thống nhất.

Về phía Hiệp hội Bất động sản, để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, cách đây 5 tháng Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị triển khai các Luật cụ thể để cho ra đời nguồn vốn cho NOXH. Mới đây, Hiệp hội có công văn tương tự gửi Thường vụ quốc hội, Uỷ Ban Kinh tế, Thường vụ Quốc hội.

 “Khả năng năm 2017 sẽ có dòng tiền cho phân khúc này. Bên cạnh đó, trong thời gian tới Hiệp hội cũng đặt mục tiêu cho ra đời thí điểm Quỹ Đầu tư Bất động sản để có một kênh huy động vốn độc lập cho thị trường bất động sản mà không phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng, trong đó có nguồn vốn cho người nghèo” – ông Nam khẳng định.

 

Theo Linh Vân (DĐDN)
Tags:

Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ định hướng sớm và nhất quán.

Video