Đà Nẵng: Đô thị môi trường và dân sinh
Dư luận lâu nay đánh giá cao những gì Đà Nẵng đã làm được, sau 40 năm giải phóng và đầu tư phát triển. Nhất là với 17 năm tăng tốc mới đây, mảnh đất này đã vươn tầm thành 1 đô thị đẳng cấp quốc gia, với những đột phá mang tính tiên phong trong mục tiêu xây dựng cuộc sống bình hòa hiện đại hơn cho người dân.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, lộ trình 40 năm của địa phương là một hành trình không đơn giản, trải qua những biến động nhất định từ tư duy nhận thức, cho đến hành động. Nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá ở nhiều lĩnh vực đã được Đà Nẵng rút ra, áp dụng vào thực tiễn, thể hiện rõ những tầm nhìn tích cực về tương lai. Trong đó, nổi bật nhất là một số điểm nhấn ở 2 khía cạnh kinh tế và dân sinh.
Hoàn thiện môi trường kinh tế
Điểm nhấn được ghi nhận đầu tiên của Đà Nẵng, là công tác môi trường. Ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng năm 2003 nhìn nhận, vấn đề môi trường của Đà Nẵng được định vị ở 2 mặt.
Thứ nhất là xây dựng 1 thành phố môi trường, thông qua những giải pháp xử lý môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm sinh thái. Từ một thành phố phát triển thiếu kiểm soát, khiến nhiều khu vực ô nhiễm, ao hồ bị bồi lấp, sau năm 2000, Đà Nẵng đã chuyển biến tích cực, tổ chức quy hoạch hạ tầng và kinh tế, với những khu công nghiệp và khu dân cư được đầu tư đồng bộ. Hoạt động sản xuất được dịch chuyển vào những khu vực quy hoạch có hạ tầng đầy đủ. Các dự án đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài có khả năng gây ô nhiễm đều bị từ chối triển khai.
Thứ hai, từ góc cạnh môi trường tự nhiên, Đà Nẵng đã thúc đẩy thành công các lợi thế và cơ hội cho việc xây dựng một môi trường kinh tế tiến bộ.
Địa phương đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đưa ra các giải pháp kiểm soát đô thị, cải cách hành chính, áp dụng CNTT trong quản lý địa phương... từ đó thu hút sự quan tâm và tinh thần đầu tư của các doanh nghiệp.
Cụ thể từ năm 2005 đến năm 2013, Đà Nẵng luôn được đánh giá cao về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và dẫn đầu cả nước trong 5 năm từ 2008 - 2010 và từ 2013 – 2014. Suốt 6 năm liên tục (2009-2014), Đà Nẵng cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT Index). Riêng từ năm 2014, Đà Nẵng đã đưa ra 6 giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với những nỗ lực đó, đến nay Đà Nẵng có 14.270 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 69.711 tỷ đồng, tăng 26,8% về số doanh nghiệp, 19,7% về vốn đăng ký so với cuối năm 2010; và 317 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,379 tỷ USD, tăng 70% về số dự án và 21% về vốn đầu tư.
Những hoạt động đầu tư này đã giúp Đà Nẵng đạt giá trị sản phẩm xã hội hơn 41.714 tỷ đồng trong năm 2014, tiếp tục giữ mức tăng trưởng hơn 9% so bình quân hàng năm, phấn đấu từ năm 2015 tăng trưởng đến 10%.
Cải thiện dân sinh đậm chất nhân văn
Thành tựu quan trọng thứ hai của Đà Nẵng, theo ông Huỳnh Đức Thơ, là đã kiến tạo nên một khát vọng “thành phố đáng sống” với những giải pháp đầu tư, cải thiện dân sinh đậm chất nhân văn.
Ông Thơ nhìn nhận, những chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” được Đà Nẵng triển khai những năm qua, đã tạo nên chuyển biến sâu sắc trong đời sống nhân dân. Từ năm 2003, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu “không có hộ đói”, năm 2009 hoàn thành mục tiêu “không có người mù chữ” và đang tiếp tục điều chỉnh các mục tiêu này theo hướng “không còn hộ đặc biệt nghèo” và “không có học sinh bỏ học trong độ tuổi”.
Đà Nẵng cũng là thành phố ưu tiên ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo vươn lên thoát nghèo; giáo dục, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; giúp đỡ học sinh bỏ học trở lại trường; lập quỹ cho vay việc làm đối với các đối tượng mãn hạn tù; tổ chức các đề án xây nhà cho người thu nhập thấp, dự án ký túc xá sinh viên và nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động... Đây cũng là địa phương đầu tiên xây dựng các bệnh viện mang tính chất nhân đạo, như Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Ung thư; chữa trị miễn phí cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, phụ nữ nghèo bị ung thư…
Để tăng cường hiệu quả phục vụ dân sinh, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử, đưa ý thức xã hội hóa cộng đồng vào trong hành động của đội ngũ cán bộ công chức địa phương. Hệ thống dịch vụ công Đà Nẵng
được chú trọng với việc gắn kết trình độ ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng tăng. Các ban ngành quản lý hành chính Đà Nẵng đều đã “mạng hóa”, cho phép người dân đánh giá điểm cho công chức làm việc, theo dõi hồ sơ công việc cho họ đã giải quyết đến đâu và bị ách tắc ở khâu nào. 100% lãnh đạo địa phương đều có thói quen sử dụng email làm việc.
Theo ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, 40 năm qua đã kiến tạo nên cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội vững chắc cho thành phố này. Trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo địa phương, vì thế phải tiếp tục phát huy tốt các lợi thế có sẵn, triệt tiêu những tiêu cực, có tầm nhìn xa hơn và cái tâm phục vụ năng động tích cực hơn nữa. Có như vậy, Đà Nẵng mới khẳng định thành công được vị thế tâm điểm kinh tế và xã hội miền Trung!
Theo NĐT