ĐÀ LẠT: Dấu ấn mới bản đồ khám phá
Du khách đến thành phố Đà Lạt vốn chỉ có những địa điểm quen thuộc trong các cuộc chinh phục và khám phá. Năm nay, một trong những chương trình Famtrip quy mô lớn của tỉnh Lâm Đồng mang tên "Hành trình đến thành phố hoa" sẽ mang đến bạn một cuộc bứt phá mới, một hành trình mới trên bản đồ đi và trải nghiệm thông qua 5 điểm đến giàu màu sắc văn hóa, thiên nhiên mà ĐS. Doanh nghiệp & Đầu tư giới thiệu đến bạn đọc nhân dịp Xuân về.
1. Biệt điện Trần Lệ Xuân
Dẫu biết rằng Đà Lạt xưa kia là thành phố mỹ lệ của các nhà cầm quyền và vua chúa nhưng nếu những ai quan tâm đến những dấu tích xa hoa của người đàn bà được mệnh danh là đệ nhất phu nhân của chế độ Ngô Đình Diệm thì sẽ mãn nguyện khi mọi thứ về người đẹp một thời ấy vẫn hiện rõ cho đến hôm nay tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt. Dưới chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, biệt điện Trần Lệ Xuân là biểu tượng của vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy cùng danh tiếng và quyền uy của chủ nhân. Với diện tích khoảng 13.000m2, khu biệt điện có ba ngôi biệt thự, một hồ bơi, một vườn hoa được thiết kế theo kiểu Nhật Bản, cùng nhiều hạng mục lý thú khác. Điểm độc đáo của vườn hoa Nhật là có một hồ sen khi bơm đầy nước sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam.
Tại đây hiện cũng đang lưu giữ một ứng cử viên sáng giá để giúp Việt Nam sớm có thêm một di sản văn hóa thế giới từ UNESCO: Kho tàng mộc bản triều Nguyễn. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, năm 1960, Mộc bản được chuyển từ Huế về Đà Lạt do chi nhánh Văn khố Đà Lạt quản lý. Nơi đây đang lưu giữ trên 30.000 tấm Mộc bản được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm dùng để nhân bản tài liệu, phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, điều luật; lưu truyền công danh sự nghiệp của vua, chúa, … Hầu hết các bản thảo đều được Hoàng đế “Ngự lãm”, phê duyệt trước khi cho những người thợ tài hoa khắc lên gỗ. Kho tàng mộc bản triều Nguyễn hiện được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học tại thành phố Đà Lạt là một dạng lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới.
2. Đường hầm đất đỏ bazan ở khu du lịch Sao Đà Lạt
Đất đỏ bazan , đất sét vốn nguyên thủy đã mang tính chất tạo hình lý tưởng nhưng nếu thiếu khối óc và bàn tay khéo léo để nhào nặn chắc chắn Đà Lạt sẽ không thể có một đường hầm đất đỏ bazan dài trên 1,2km vừa mọc lên giữa rừng thông thơ mộng ở Hồ Tuyền Lâm.
Toàn bộ công trình đường hầm điêu khắc có 2 chủ đề chính là tái tạo lịch sử TP. Đà Lạt và những câu chuyện văn hóa, nhân văn có tính giáo dục. Ở chủ đề thứ nhất, lịch sử Đà Lạt khắc họa theo các giai đoạn. Từ thuở hoang sơ đến năm 1893 khi Yersin khám phá ra cao nguyên Langbiang khắc họa bằng những truyền thuyết về thiên nhiên hoang dã ủ. Giai đoạn bác sĩ Yersin khám phá Đà Lạt được minh họa bằng những công trình kiến trúc và văn hóa độc đáo như ga xe lửa, dinh Bảo Đại, trường Lycée Yersin, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, chợ Đà Lạt… Chủ đề thứ hai là Đà Lạt hiện tại và tương lai với nhiều kiến trúc mới như: Sân bay Liên Khương, đường cao tốc, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình yêu...”.
Không chỉ đột phá về mặt ý tưởng và chất liệu, công trình Đường hầm Đà Lạt thu nhỏ còn thể hiện nhân sinh quan sâu sắc của chủ nhân. Đằng sau câu chuyện về kiến trúc, không khó để nhận ra những câu chuyện mang tính giáo dục cao như bức tranh “Cá ăn kiến”, ngôi nhà Hoàng Sa – Trường Sa… Công trình ngôi nhà cùng đường hầm này vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải kiến trúc xanh 2014 và nhanh chóng trở thành sản phẩm mới của du lịch Đà Lạt, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách gần xa. Việc nối dài thêm đường hầm điêu khắc trong tương lai sẽ giúp Đà Lạt sở hữu một trong những công trình nghệ thuật dưới lòng đất dài nhất trên thế giới.
3. Vườn dâu sạch của Công ty TNHH Sinh học sạch Đà Lạt
Nhắc đến sắc đỏ tươi rực rỡ chắc hẳn mọi người nghĩ ngay đến những đóa hồng hay chỉ có thể là những trái dâu tây chín mọng. Đà Lạt có cả 2 sắc đỏ ấy, đặc biệt nếu trở lại thành phố ngàn thông, hãy dành chút thời gian để ghé thăm những vườn dâu tây xinh xắn, tận mắt trông thấy quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tự lựa chọn hái từng quả tại Công ty TNHH Sinh học sạch – Biofresh, số 48 Võ Trường Toản, Đà Lạt.
Đầu tư theo công nghệ Pháp, trang trại dâu tây 3ha trong khuôn viên Khu du lịch hồ Than Thở đạt tiêu chuẩn châu Âu với tổng nguồn vốn đầu tư là 13 tỷ đồng. Tất cả đều phải tuân theo những quy trình nghiêm ngặt dưới sự giám sát, tư vấn chặt chẽ của các chuyên gia về dâu tây người Pháp và Hà Lan. Với quy trình đó, dâu tây siêu sạch tiêu chuẩn châu Âu này đảm bảo an toàn cho những tín đồ yêu thíchloại trái cây này. Bên cạnh đó, Biofresh là đơn vị tiên phong trồng và thử nghiệm thành công dưa lưới và sẽ cung cấp cho thị trường vào dịp tết 2015.
Biofresh luôn mở cửa chào đón du khách đến tham quan và trải nghiệm sản phẩm dâu tươi, dâu thành phẩm và dưa lưới. Đây cũng là một địa chỉ mới mẻ trong nhiều “tour” du lịch trải nghiệm xanh mà các du khách trong và ngoài nước sẽ thỏa thích với loại trái cây đặc sản này.
4. Làng Hoa Thái Phiên
Là một vùng chuyên canh hoa tập trung cách trung tâm TP. Đà Lạt 7 km về hướng Đông Bắc, tuy được hình thành khá muộn so với các địa phương khác song Thái Phiên lại là làng hoa đầu tiên của thành phố Đà Lạt được công nhận là làng hoa truyền thống. Đặc biệt là trước Festival Hoa Đà Lạt 2014, chính quyền địa phương đã có sự đầu tư, tôn tạo bài bản toàn bộ làng nghề truyền thống này.
Một nét đặc biệt khác là nếu như làng hoa Hà Đông lọt trong một khu phố của phường 8, làng hoa Vạn Thành lọt trong khu phố của phường 5 thì Thái Phiên còn là tên gọi chung của cả quận 12. Với phần diện tích vượt trội so với 2 làng hoa nổi tiếng còn lại của Đà Lạt, Thái Phiên cung cấp sản lượng 450 triệu hoa cắt cành các loại/năm.
Đến với làng hoa Thái Phiên từ trên cao nhìn xuống bạn sẽ bị thu hút bởi những mái nhà plastic xanh, đỏ nối tiếp nhau của những khu trồng hoa. Khi đêm xuống, làng hoa trở nên lung linh, lấp lánh bởi hàng ngàn bóng đèn 3U thắp sáng những vườn hoa cúc cả một vùng đồi. Bất cứ khu vườn nào cũng có thể trở thành điểm tham quan của du khách. Như đã trở thành thói quen, người nông dân làng hoa không còn bỡ ngỡ, lạ lẫm với những đoàn khách nối đuôi nhau đến chiêm ngưỡng hoa và tay nghề của nghệ nhân.
Ngày nay, họ không chỉ miệt mài công việc trồng hoa với nụ cười thường nhật mà còn đang học những nguyên tắc cơ bản của người làm du lịch. Một nét lãng mạn rất riêng, rất Thái Phiên của một làng nghề mà có những gia đình 3 đời đã theo làm nghề trồng hoa.
5. Showroom hoa thuộc Công ty Rừng hoa Đà Lạt
Một điểm dừng chân mới giới thiệu một phong cách giúp du khách lưu giữ hoa Đà Lạt theo phương pháp tiên tiến nhất. Nằm trên một ngọn đồi cao, cách Thung lũng Tình yêu khoảng 500m, showroom hoa thuộc công ty Rừng hoa Đà Lạt, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là "showroom hoa tươi bảo quản nghệ thuật lớn nhất Việt Nam".
Không thu phí tham quan, chỉ dành phục vụ khách du lịch và những ai mê đắm sắc hoa Đà Lạt, những bức tranh phong cảnh phố núi sống động được nghệ nhân “vẽ” bằng hoa tươi sấy khô hết sức tinh tế. Hoa tươi sấy khô theo công nghệ Nhật Bản có thể lưu giữ hình dáng và màu sắc từ 3 đến 5 năm. Bên cạnh đó, hoa chậu và cây cảnh với hơn 100 loại hoa từ quen thuộc đến quý hiếm sẽ làm cho du khách phục cái tài của những nghệ nhân công ty Rừng hoa Đà Lạt.
Ðứng giữa những lọ hoa, bức tranh muôn màu sắc, ta như cảm thấy được trở về với thiên nhiên, hòa trong không gian của hoa, lá, cỏ cây và bỗng nhận ra, thiên nhiên thật vô cùng phong phú, đa sắc. Giờ đây, vẻ đẹp của hoa khô chắc chắn là vẻ đẹp trường tồn với thời gian.
Theo Anh Tuấn (Doanh nghiệp & Đầu tư)