Chuyên nghiệp hoá doanh nghiệp gia đình
Thống kê của PricewaterhouseCooper(PwC) – Mỹ chỉ ra con số đáng lo ngại về sự kế thừa trong doanh nghiệp gia đình.
Theo đó, trong 100 DN gia đình chỉ có 60% thế hệ thứ 2 nối tiếp, 32% ở thế hệ thứ ba và chỉ còn khoảng 16% ở thế hệ thứ tư. Kế thừa, chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình là một việc không dễ dàng.
[caption id="attachment_38201" align="aligncenter" width="588"]
Tại Hội nghị các nhà đầu tư thường niên 2016 của Tập đoàn VinaCapital diễn ra cách đây không lâu, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, từ năm 2016, tập đoàn này sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực mới là những Cty gia đình.
Trăn trở chuyển giao
Số liệu thống kê cho thấy, nếu như kinh tế Nhà nước đóng góp 32,2% vào GDP, thì kinh tế ngoài Nhà nước góp tới 48,3%; (Kinh tế tập thể 5%, Kinh tế tư nhân 10,9%, Kinh tế cá thể 32,3%); Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 19,5%. Chưa có đánh giá khảo sát cụ thể, đầy đủ về đóng góp của các DN gia đình vào nền kinh tế nhưng trên thực tế tại Việt Nam đã hình thành những DN gia đình và chuyển giao qua 2- 3 thế hệ và phát triển thành các tập đoàn kinh tế lớn mạnh, điển hình như Tập đoàn Doji, Tập đoàn Hương Sen, Tập đoàn Minh Long…
Tuy nhiên cùng với sự phát lớn mạnh của các DN gia đình hàng loạt thách thức đang đặt ra trong trong quá trình chuyển giao kế nghiêp. Đặc biệt trong bối cảnh đang có một cuộc chuyển giao rất lớn giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai trong các DN gia đình Việt Nam.
Theo ông Johnathan OOi, Phó TGĐ PwC Việt Nam: Các thách thức tiêu biểu trong kế nhiệm bao gồm: Người tiền nhiệm không có khả năng hoặc không/chưa sẵn sàng để bàn giao cho người kế nhiệm; Người kế nhiệm không có động lực/năng lực để tiếp nhận; Những người kế nhiệm/nhánh trong gia đình cạnh tranh lẫn nhau; Lòng đố kỵ, cạnh tranh về quyền lợi trong gia đình; Sự bất đồng trong định hướng chiến lược của DN về tương lai; Tổ chức về cơ cấu/ lợi ích của các thành viên không thuộc gia đình gây trở ngại. Một khảo sát của PwC cho thấy có tới 40% số người được hỏi đồng ý rằng chuyên nghiệp hoá DN sẽ là một thách thức chính yếu trong 5 năm tới.
Đặc biệt Khảo sát thế hệ kế thừa 2016 của PwC chỉ ra rằng: 88% thế hệ kế thừa muốn để lại dấu ấn của họ và làm được điều gì đó đặc biệt với các DN hơn là trở thành người chăm sóc DN. Họ quyết tâm cải thiện, đa dạng hoá và làm các DN trở nên năng động; 40% thế hệ kế thừa đôi khi cảm thấy nản lòng khi cố gắng để có được sự chấp thuận của thế hệ hiện tại về các ý tưởng của họ. Dù rằng công nghệ và kỹ thuật số được công nhận là thành phần chính của một DN thành công trong tương lai nhưng cũng có thể là một lĩnh vực vướng phải sự phản đối của các thế hệ hiện tại; 70% làm việc ở ngoài trước khi về làm cho DN gia đình. Bởi làm việc trong một công ty khác cho phép thế hệ kế thừa đạt được kinh nghiệm hữu ích, tăng sự tín nhiệm và tầm nhìn khách quan không phụ thuộc vào gia đình.
Một đặc điểm chung điển hình của các DN gia đình ở Châu Á là chủ sở hữu cam kết đầu tư dài hạn, quyền sở hữu rõ ràng, tên thương hiệu riêng…Ở nhiều vùng, thế hệ thứ nhất đã chuyển tiếp sang thế hệ thứ 2 và 3 thậm chí là thứ 4. Thế hệ hiện tại cố tạo ảnh hưởng mạnh mẽ lên thế hệ sau nhưng thế hệ sau lại có thể không hứng thú với việc tiếp nối công việc kinh doanh mà đi theo đuổi sở thích các nhân. Vì vậy các bậc cha mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc quyết định ai sẽ tham gia kinh doanh và sau đó là trong bộ phận nào của DN. Bên cạnh đó, cái bóng to lớn của chế độ mẫu hệ và phụ hệ trong kinh doanh ngay cả khi việc kiểm soát, quản lý DN đã được bàn giao hoàn toàn cho thế hệ tiếp theo.
Chuyên nghiệp hoá doanh nghiệp gia đình
Để vượt qua những thách thức nội tại đòi hỏi phải có những thay đổi cấu trúc DN, mô hình quản trị và chuyên nghiệp hoá DN gia đình.
“Quản trị gia đình liên quan đến quyền sở hữu, sự quản lý và kiểm soát. 5 vấn đề chính cần được đề cập trong kế hoạch kế thừa từ góc nhìn chiến lược của một chủ DN gồm: Thứ nhất, vấn đề DN gia đình (ai trong thế hệ tiếp theo sẽ nắm giữ cổ phần?; ai trong thế hệ tiếp theo sẽ điều hành công ty?; khi nào thực hiện chuyển giao?; chuẩn bị cho việc chuyển giao thế nào?); Thứ hai, về gia đình(bằng cách nào chúng ta có thể đảm bảo sự đồng thuận về kế hoạch kế thừa?; ai sẽ đảm bảo sự gắn kết của gia đình và sự cam kết cần thiết đối với DN gia đình?); Thứ ba, vấn đề tài sản(ai sẽ sở hữu tài sản?; ai sẽ điều hành văn phòng gia đình; khi nào sẽ thực hiện chuyển giao?); Thứ tư, vấn đề cá nhân(vai trò trong tương lai sẽ là gì?; chúng ta sẽ chuẩn bị cho vấn đề này như thế nào?); Thứ năm là vấn đề về thuế và luật(làm thế nào thiết lập cơ cấu pháp lý tối ưu?; làm thế nào thiết lập cơ cấu thuế tối ưu?)”- ông Siew Quan, Phó TGĐ PwC Singapore chia sẻ.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cho biết: Chuyển giao thế hệ thành công, đưa DN gia đình ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế là mục tiêu của Hội đồng.
Theo Phan Nam DĐDN