Chủ tịch Thế giới Di Động: Nhiều công ty miệng nói vì quyền lợi khách hàng nhưng chỉ chăm chăm nhìn vào túi tiền của họ
Tại Hội nghị Đầu tư với nội dung “Làm giàu từ kinh tế tiêu dùng” do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức ngày 20/10, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết hành trình của công ty này là đi từ “sống còn” sang “sống tử tế".
Theo đó, sau khi bước qua giai đoạn khởi nghiệp và có thể tồn tại được trên thị trường, Thế Giới Di Động tìm hướng đi khác chứ không chỉ chăm chăm vào việc “bán thêm bán bớt” cho khách hàng. Quá trình này được ông Tài khái quát như sau: Trong 5 năm đầu chủ yếu là nhìn vào túi tiền khách hàng, 7 năm tiếp theo thì nhìn khách hàng như một con người với túi tiền và 5 năm trở lại đây thì khách hàng là đối tác của công ty.
“Rất nhiều doanh nghiệp ngoài miệng luôn nói rằng khách hàng là thượng đế nhưng khi khách vừa quay đi thì thò tay vào túi tiền của khách. Nó cũng giống như việc nhiều công ty đang quảng cáo là bán toàn rau sạch nhưng khi không có đủ nguồn hàng thì không đủ dũng cảm để đóng cửa 1 – 2 ngày mà lấy hàng chợ thay vào.
Hay như khi chúng tôi sang tham quan một nhà bán lẻ di động ở Indonesia thì thấy rằng tất cả sản phẩm đều để trong tủ kính và khóa cửa, theo tôi nếu tiếp tục làm như vậy họ mãi mãi sẽ không tăng được thị phần 50% của mình”, ông Nguyễn Đức Tài nhận định.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Phó Chủ tịch, Unilever Việt Nam cũng cho rằng để phát triển bền vững thì doanh nghiệp hay nhãn hàng luôn phải đặt câu hỏi rằng mình tồn tại là để làm gì? Ví dụ như trong ngành hàng dầu gội đầu, thay vì đặt câu hỏi làm sao để bán được nhiều hàng thì rất khó để tìm giải pháp.
“Nhưng nếu tìm câu trả lời ở tầng sâu hơn là làm sao để người phụ nữ đẹp hơn mà vẫn tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho công việc và gia đình thì tất cả sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hãy nhìn khách hàng như người bạn của mình”, bà Vân nói. Tuy nhiên bà Vân cũng đưa ra quan điểm để phát triển bền vững thì doanh nghiệp cần hướng đến “thay đổi thói quen tiêu dùng”.
Phân tích ở tầm vĩ mô, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng từ phía sản xuất, suy giảm ngành công nghiệp khai thác và tăng trưởng chậm trong nông nghiệp đã kéo tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào phía cầu, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua được tiêu dùng thúc đẩy, nên tiêu dùng cuối cùng tăng thấp hơn dẫn tới tăng trưởng 2016 thấp hơn 2015.
Đóng góp của tiêu dùng tư nhân vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010 trung bình 4,9%/năm nhưng đến 2011 - 2015 giảm còn 4,4%/năm. Đặc biệt, trong các năm 2007, 2015, tiêu dùng tăng mạnh thì đồng thời nhập khẩu cũng tăng mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản phẩm quốc nội GDP Việt Nam là tiêu dùng. Năm 1990, tiêu dùng chiếm 84,3% GDP, đến năm 2015 mặc dù suy giảm nhưng vẫn chiếm tới 65,1%. Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực Đông Á hay các nước Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và cao ngang ngửa với Mỹ.
Vị chuyên gia kinh tế cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), theo đó, nếu nhìn vào cả khu vực châu Á, điểm chung là tất cả nền kinh tế sẽ ngày càng dựa vào đóng góp của tiêu dùng tư nhân, kể cả nước phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực đầu tư như Trung Quốc.
Với Việt Nam, trong thời gian qua dù có nỗ lực gia tăng đầu tư, nhưng bản thân ngành tiêu dùng tư nhân đã chiếm tới 2/3. Điều này đặt ra thách thức, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng và sức hấp dẫn của nền kinh tế, bản thân tiêu dùng phải nâng mức đóng góp từ 4,4% lên trên 5% để GDP có thể tăng trên 7%, ông Thành kết luận.
Theo ông Thành, trong ngắn hạn, động lực thúc đẩy tiêu dùng là nhờ giá hàng hóa thấp. Nhưng trong trung và dài hạn, động lực tiêu dùng nằm ở tín dụng tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu. Theo nghiên cứu của BCG, Việt Nam là nước có tầng lớp trung lưu và giàu có tăng trưởng nhanh nhất. Năm 2012, số người thuộc tầng lớp này là 12 triệu người, đến năm 2020 dự kiến con số này sẽ lên tới 33 triệu người.
Tuy vậy, để tăng trưởng bền vững từ tiêu dùng, Việt Nam cần phải nâng cao năng suất lao động, chất lượng thể chế và quản trị nhà nước cùng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Thành khẳng định.
Theo NDH