Chủ đầu tư các dự án trên bán đảo Sơn Trà nói gì?

Báo cáo của Đà Nẵng gửi Thủ tướng vừa qua đã thực hiện một số điều chỉnh trong quy hoạch và cắt giảm quy mô các dự án trên bán đảo Sơn Trà. Các chủ đầu tư dự án nói gì?

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/8 Đà Nẵng đã phê Báo cáo số 223 trình lên Thủ tướng. Báo cáo nêu rõ các vấn đề chính là liên quan đến rà soát các dự án và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trên bán đảo Sơn Trà có 18 dự án của 10 chủ đầu tư đã được UBND TP cấp phép đầu tư xây dựng. Gồm 3 dự án đã được đầu tư, 1 dự án đang được triển khai, 3 dự án đã được triển khai một phần nhưng sau đó tạm dừng và 11 dự án chưa triển khai.
[caption id="attachment_68021" align="aligncenter" width="700"] Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đi kiểm tra thực tế phần đế móng biệt thự xây dựng trái phép trên núi Sơn Trà[/caption]

Cho đến trước ngày 29/8, Đà Nẵng công bố quan điểm của TP sau 3 tháng rà soát và xem xét sẽ là điều chỉnh quy hoạch và cắt giảm quy mô các dự án đã được cấp phép. Từ quan điểm này, TP Đà Nẵng đề ra một số nguyên tắc để thực hiện điều chỉnh và kiến nghị đến các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Xét ở góc độ kinh tế, rõ ràng những động thái này đã và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các dự án. Vậy các chủ đầu tư đã nói gì?

Nỗi lo thiệt hại kinh tế

Theo đơn được ký bởi Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SAVICO) – chủ dự án Khu du lịch Bãi Trẹm – Mercure Sơn Trà thì “sau buổi đối thoại ngày 23/8 và tiếp thu các kiến nghị của UBND TP…chúng tôi rất lấy làm bất ngờ cũng như lo lắng”. 100 tỷ đồng là tổng chi phí SAVICO đã đầu tư vào dự án của doanh nghiệp trên bán đảo tính đến hiện nay.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sơn Trà – chủ đầu tư Dự án Tổ hợp du lịch quốc tế 5 sao Sơn Trà resort & spa ở khu vực Bãi Nam - Bãi Cọn không đồng tình với UBND TP kiến nghị: “Cắt giảm 102 biệt thự xuống còn 45 biệt thự và không xây dựng khối khách sạn 18 tầng”. Nguyên nhân của việc cắt giảm và không cho xây dựng này là “do điều chỉnh quy hoạch, lượng biệt thự được quy hoạch quá dày, khu vực này không nên xây dựng khách sạn cao tầng, không phù hợp với cảnh quan”. Theo trình bày của Công ty Sơn Trà trong đơn kiến nghị gửi TP Đà Nẵng và được TP gửi kèm trong báo cáo Thủ tướng thì Công ty này đã “trải qua một quá trình dài… cũng như trải qua nhiều sự thăng trầm, biến động của thị trường, thay đổi chính sách, pháp luật của nhà nước, sự cạnh tranh khốc liệt…” để có thể nỗ lực, kiên trì và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu phát triển dự án.

Doanh nghiệp này còn cho biết đã ký hợp đồng thuê các đơn vị tư vấn, thiết kế, quản lý vận hành khách sạn hàng đầu trên thế giới như tập đoàn Marriot của Mỹ, CBRE… Khách sạn 18 tầng là yếu tố bắt buộc, mang tính sống còn của đồ án quy hoạch. Vì thế, các điều chỉnh như nói trên sẽ là thiệt hại to lớn đối với doanh nghiệp về kinh tế và uy tín.

[caption id="attachment_68020" align="aligncenter" width="700"] Một góc dự án được xây dựng trên bán đảo Sơn Trà[/caption]

Đồng thuận chủ trương nhưng … xin xem xét

“Chia sẻ và đồng thuận chủ trương chung” là quan điểm của đa số các nhà đầu tư trước lời đề nghị của UBND thành phố. Như Công ty Cổ phần Xây dựng 79 trình bày: “Chúng tôi hiểu và sẵn sàng chia sẻ với chủ trương của thành phố”.

Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư lại kèm theo những kiến nghị khác nhau đứng trước thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp mình.

Công ty 79 nói rằng sẽ tiến hành quy hoạch trồng cây ở khu vực không được phép thi công xây dựng theo nguyên tắc điều chỉnh. Nhưng xin được giữ lại số diện tích đất 15,4 ha đã được cấp phép và mong muốn được cho phép giữ trên 50% số lượng biệt thự theo quy hoạch ban đầu.

Công ty Cổ phần đầu tư Mũi Nghê thì “thống nhất chủ trương cắt giảm số lượng phòng và diện tích của dự án” nhưng cũng xin thành phố xem xét đối với dự án 150 biệt thự của doanh nghiệp đã được phê duyệt để không bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Và cho đến lúc này, cả trong báo cáo trình lên Thủ tướng, Đà Nẵng mới chỉ thể hiện quan điểm cần xem xét tổng hợp các ý kiến, trong đó có ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo báo cáo, quyết định cuối cùng về tương lai của các dự án sẽ như thế nào là còn “chờ chỉ đạo”.

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video