Chớp thời cơ, vượt thách thức khi tham gia TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước vừa được ký kết mở ra một thị trường rộng lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Hà Nội với 97% số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố Hà Nội tích cực cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp xây dựng sản phẩm chủ lực, quảng bá sản phẩm, tìm đối tác, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh trên thị trường để vừa giữ được thị trường trong nước, vừa thâm nhập vào thị trường các nước TPP.
[caption id="attachment_15947" align="aligncenter" width="700"]
Thêm vốn, thêm thị trường… từ TPP
Tại Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội), các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu đang miệt mài thử nghiệm các ứng dụng mới, đo chất lượng ánh sáng, thử sức chịu đựng của sản phẩm. Mỗi năm Công ty Rạng Đông dành 20% lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ, đơn vị xây dựng một trung tâm nghiên cứu và mời nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực về làm việc. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đoàn Thăng kể lại câu chuyện “xương máu” của Rạng Đông. Nhiều năm trước, các sản phẩm truyền thống của công ty như bóng đèn dây tóc, đèn huỳnh quang luôn chiếm lĩnh thị trường trong nước và thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hà Nội. Nhưng rồi công nghệ thay đổi, người tiêu dùng ưa sử dụng sản phẩm công nghệ LED mới. Năm 2015, không một bạn hàng nước ngoài nào đặt hàng các sản phẩm đèn theo công nghệ cũ, sản xuất của đơn vị suy giảm mạnh, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tụt nhanh. Trước tình cảnh đó, doanh nghiệp đã dồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, nhanh chóng phát triển các sản phẩm đèn LED, tìm cách tăng tuổi thọ của đèn compac, áp dụng công nghệ nano, chống nhiễu cho các sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã chuyển hướng kịp thời, công ty sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, TPP chính thức có hiệu lực sẽ đem lại cho doanh nghiệp Hà Nội nhiều thuận lợi lớn. Trước tiên, thị trường xuất khẩu sẽ mở rộng, nhất là hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội hiện nay là Nhật Bản và Mỹ. Tính riêng năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang Nhật Bản đạt 1.509 triệu USD, sang Mỹ đạt 1.861 triệu USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tham gia TPP, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ giảm dần về 0% giúp các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Hà Nội như dệt may, cơ - kim khí, linh kiện điện tử - máy tính... sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông nhận thức rất rõ về điều này: “TPP mở ra một thị trường rộng lớn cùng nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Hà Nội. Nhưng Hiệp định TPP cũng có những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm. Nếu chúng ta không bắt nhịp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã hiện đại thì doanh nghiệp sẽ mất ngay thị phần”. Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng có nhận định tương tự: “TPP sẽ đem lại những thuận lợi lớn cho ngành dệt may như giảm thuế, mở rộng thị trường. Chúng tôi nghiên cứu kỹ các nội dung trong Hiệp định TPP cũng như các hiệp định thương mại khác để tận dụng, khai thác tốt nhất các ưu đãi, cũng như đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng đúng quy định".
Khi Việt Nam tham gia vào TPP, Hà Nội còn có cơ hội thu hút vốn đầu tư quốc tế lớn với chi phí thấp. Bởi với vị trí, vai trò là Thủ đô, thành phố hội tụ nhiều điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội thích hợp cho đầu tư phát triển. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hai tháng đầu năm nay, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới đạt 242 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta. Kết quả này sẽ tạo đà để Hà Nội thu hút dòng vốn từ các nước, nhất là các nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao. Ngoài vốn đầu tư trực tiếp, Hà Nội cũng sẽ nhận được nguồn vốn đầu tư gián tiếp thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập, liên kết doanh nghiệp. Bởi Hà Nội hiện đang có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút các nhà đầu tư. Đi cùng với dòng vốn còn có khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị, quản lý doanh nghiệp... góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ của thành phố phát triển hiện đại hơn.
Chủ động nâng cao sức cạnh tranh
Bên cạnh những thuận lợi lớn, TPP cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Hà Nội. Điều dễ nhận thấy nhất là sức ép cạnh tranh trên cả thị trường quốc tế và trong nước gia tăng. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số các doanh nghiệp của Hà Nội. Chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp Hà Nội còn thấp. Các doanh nghiệp rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị. Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh ví von: “Sản phẩm, hàng hóa của chúng ta “vào” nhà họ, thì hàng hóa của họ cũng sẽ “vào” nhà ta. Vì vậy, chúng ta phải trang bị đầy đủ, sẵn sàng hành trang, kiến thức về hội nhập cho cán bộ công nhân viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Phải xây dựng được hệ thống quản trị doanh nghiệp đổi mới, chặt chẽ và hiệu quả hơn bây giờ”.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dây và Cáp điện Thượng Đình (Cadi-Sun) Phạm Lương Hòa cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác xuất khẩu, Cadi-Sun nhận ra rằng, trong sân chơi hội nhập, nhất là với những nền kinh tế lớn như các nước trong TPP, quan trọng nhất là phải tập trung vào nâng cao chất lượng, không ngừng đổi mới khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm phù hợp, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, không bị động khi các hiệp định chính thức có hiệu lực. Đồng thời, phải đẩy mạnh hoạt động ma-két-tinh, gia tăng xuất khẩu. Cadi-Sun đã mạnh dạn đầu tư các nhà máy sản xuất với cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cũng như số lượng sản phẩm cho các đơn hàng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, TPP khi bắt đầu có hiệu lực không chỉ thực hiện các thỏa thuận cắt giảm thuế, mở cửa thị trường, mà còn áp dụng các quy định về đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu trí tuệ, các quy định khắt khe về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật, những điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp. Sắp bước vào thị trường quốc tế rộng lớn, cạnh tranh gay gắt nhưng nhiều doanh nghiệp của Hà Nội vẫn còn khá thụ động, nhiều cơ chế, chính sách chưa bắt nhịp với đòi hỏi thực tế. Thành phố cùng các sở, ngành sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP nói riêng. Trong đó, tập trung vào những giải pháp trọng tâm như ban hành cơ chế, chính sách sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa bàn, phù hợp với cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thành phố cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc, giúp doanh nghiệp xây dựng sản phẩm chủ lực, tiếp cận, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm đối tác, mở rộng thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp Hà Nội cũng phải sẵn sàng, chủ động các điều kiện để cạnh tranh, vừa giữ được thị trường trong nước, vừa thâm nhập được vào thị trường các nước TPP, đưa kinh tế Thủ đô hội nhập sâu hơn, tăng trưởng bền vững hơn.
Theo báo Nhân dân