Cần sớm thành lập trung tâm Logistics vùng Đông Nam Bộ
Hiện nay, ngày công nghiệp dịch vụ logistics ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế xã hội, đặc biệt là nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Trong đó, Đông Nam Bộ (ĐNB) là nền kinh tế rộng lớn nhất cả nước và có đầy đủ yếu tố để liên kết, phát triển và tham gia vào các chuỗi logistics toàn cầu.
Được biết, tổng vốn FDI đầu tư vào vùng ĐNB tính tới nay đạt khoảng 142 tỷ USD, xuất khẩu chiếm 60% tổng sản lượng xuất khẩu cả nước; Sản lượng luân chuyển container riêng vùng này đạt 7 triệu teu trong tổng số hơn 10 triệu teu của cả nước; Hàng không chiếm khoảng hơn 700.000 tấn trên tổng số hơn 1 triệu tấn vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa của cả nước. Qua đó, thấy được sản lượng vận chuyển rất lớn.
Thực tế, chi phí về logistics của VN đang rất lớn. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức ngân hàng thế giới, chi phí về logistics VN chiếm trong GDP khoảng 20,7%. Việc liên kết về logistics trong vùng đặc biệt là về vấn đề vận tải có thể làm giảm chi phí logistics cũng như giảm chi phí sản xuất của DN.
Ở đây, việc liên kết dịch vụ logistics cũng như chuỗi cung ứng hiện chưa có sự hợp tác giữa các tỉnh và bộc lộ một số tồn tại: Sự liên kết còn lỏng lẻo, thiếu phối hợp, riêng mảng dịch vụ logistics, nhiều địa phương còn lúng túng không biết giao cho đơn vị nào quản lý. Còn Trung ương, hiện đang giao cho Bộ Công thương, tuy nhiên có nhiều lĩnh vực khác trong ngành logistics như vận tải biển, hàng không, đường bộ vẫn liên quan tới Bộ Giao thông Vận tải.
Ở các nước trong khu vực, họ đã có một ủy ban logistics quốc gia điều phối chung tất cả những việc này còn VN, hiện chưa có cơ quan nào quản lý dịch vụ logistics. Ngay trong vùng ĐNB, chủ yếu các DN tự liên kết, tự đầu tư để phát triển dịch vụ này.
Về hạ tầng kết nối, Trung ương đã xác định cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng cửa ngõ của vùng ĐNB. Hạ tầng kết nối với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện nay chưa phát triển mà chủ yếu bằng đường sông. Trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu teu kết nối giữa TP HCM và vùng ĐNB đi qua cảng Cái Mép để xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ. Thực tế, cụm Cái Mép có 6 cảng nhưng bất cập ở chỗ, sản lượng hàng hóa phân bố qua cảng không đều: có cảng thừa năng lực, có cảng thiếu năng lực dẫn tới chi phí logistics vẫn quá cao.
Chi phí logistics cao là do các chi phí không cấu thành nên dịch vụ vận tải và dịch vụ logistics vẫn đang tồn tại. Ví dụ, tại Transimex hiện đang có hơn 100 đầu kéo xe container, một ngày, 1 đầu kéo di chuyển được 1 chuyến lấy hàng từ các địa phương tới cảng Cát Lái và ngược lại. Cũng với cự ly đó, ở các nước có hạ tầng logistics phát triển, họ sẽ quay vòng được hai, ba chuyến (chiều đi) thì rõ ràng chi phí của họ thấp hơn VN rất nhiều. Từ đó, dẫn tới thiếu cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ngày nay.
Còn hạ tầng mềm cũng đang rất yếu. Một là, cơ chế liên kết vùng chưa có; Hai là, các thể chế, cơ chế chính sách chung của Nhà nước đối với ngành dịch vụ logistics còn thiếu. Sắp tới, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics nên việc có nâng cao được năng lực hay không đang ở thì tương lai gần còn hiện tại mới chỉ là trình đề án.
Theo các chuyên gia nhận định “thị trường logistics VN đang nằm trong tay các DN nước ngoài”. Điều đó cũng chỉ đúng một phần, bởi vì với hội nhập, chúng ta không thể nào phân biệt được nằm trong tay ai, còn về cơ hội thì rõ ràng đang thuộc về chúng ta, VN có điều có nắm bắt được hay không để chủ động thị trường lại tùy thuộc vào các DN.
Lê Duy Hiệp – TGĐ Cty CP Transimex Theo DĐDN