Bốn giải pháp kết nối nông nghiệp Việt Nam
Chúng ta đang hoạt động trong lĩnh vực có đến 70% người Việt Nam tham gia và sản phẩm của ngành này hầu như có mặt hằng ngày, trong mọi hoạt động của cuộc sống. Tuy nhiên, đại bộ phận nông dân còn nghèo và phần lớn nông dân không kiểm soát nổi những chương trình mình đang làm.
Có thể dùng một câu lý giải mà nhiều người hay nói là “tư duy kiểu nông dân”, rồi nông dân hơi bảo thủ… Thực tế, họ buộc phải tư duy như vậy vì vốn dĩ kiếm được đồng tiền rất khó khăn và lấy gì đảm bảo cho sự đổi mới hay từ bỏ tư duy bảo thủ của họ một khi thị trường đầy rẫy những phức tạp, sáng nắng chiều mưa rồi lại “được mùa thì mất giá”. Đó là chưa kể sự hỗn tạp, bát nháo về các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp…
Những tồn tại như trên sẽ còn tồn tại nếu chúng ta không gắn kết tốt nông nghiệp với các ngành khác. Cụ thể, một là, các nhà tư vấn dịch vụ cho nông nghiệp gồm các DN và các viện nghiên cứu, các trường đại học nên nghiên cứu cụ thể trong một vùng nào đó, việc trồng cây gì, nuôi con gì nhằm đảm bảo thị trường cần phải được tiến hành một cách bài bản; Hai là, các nhà nông sau khi đã thông tư tưởng với các nhà tư vấn, nhà khoa học thì nên áp dụng một cách trung thực và tránh chạy theo phong trào; Ba là, các nhà thương mại là người khá quan trọng quyết định nên sự thành bại của chương trình. Họ có thể tư vấn cho người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra khoản chi phí cao hơn để dùng những sản phẩm tốt hơn, sạch hơn. Họ tìm những thị trường tiềm năng. Thậm chí, họ có thể giải quyết bài toán khan hiếm tài chính trong đầu tư nông nghiệp sạch như hiện nay bằng nhiều cách thức kêu gọi vốn, quy đổi hàng hóa… Bốn là, những vấn đề khác liên quan đến chính sách… thì Nhà nước sẽ làm và cần những con người làm luật, làm chính sách tốt, có tầm nhìn.
Phạm Đình Cự Giám đốc Công ty CP Trang trại Biolet