Boeing thành hãng sản xuất biểu tượng của Mỹ như thế nào?

Boeing là đại gia sản xuất máy bay và vũ khí của Mỹ, cũng là công ty quan trọng trong Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones (DJIA).

Boeing đang chịu sức ép lớn, sau khi loại máy bay bán chạy nhất của hãng - Boeing 737 Max liên tiếp vướng vào hai tai nạn chết người chỉ trong vài tháng. Hôm Chủ nhật, một máy bay Boeing 737 Max 8 của Ethiopian Airlines gặp nạn ngay khi mới cất cánh từ thủ đô Addis Ababa, khiến 157 người thiệt mạng. Tháng 10/2018, tai nạn với loại máy bay tương tự của Lion Air (Indonesia) cũng khiến 189 hành khách tử vong.

Hàng loạt quốc gia đã ra lệnh ngừng sử dụng loại máy bay này. Cổ phiếu Boeing đầu phiên Mỹ hôm qua cũng giảm tới 12%.

Boeing đã đi một chặng đường dài từ khi thành lập năm 1916, để trở thành công ty với doanh thu năm 2018 lên tới hơn 100 tỷ USD. Trước khi thành hãng sản xuất máy bay và vũ khí hàng đầu thế giới, Boeing chỉ là một hãng đóng tàu nhỏ ở Seattle, do William E. Boeing sáng lập.

Boeing Airplane Co. tại Seattle (Washington, Mỹ). Ảnh: Boeing

Boeing Airplane Co. tại Seattle (Washington, Mỹ). Ảnh: Boeing

Đến năm 1916, cùng người bạn trong hải quân Mỹ - Conrad Westervelt, William Boeing tạo ra thủy phi cơ B&W - máy bay đầu tiên của Boeing, được đặt theo tên hai người. Thủy phi cơ này dài 8 m và bay được 274 m trong lần bay đầu tiên.

Cả hai sau đó cố bán máy bay này cho Hải quân Mỹ, nhưng thất bại. Năm 1918, nó được bán cho Trường dạy Bay New Zealand.

Năm 1916, William Boeing lập công ty Pacific Aero Products với 100.000 USD. Westervelt đã giúp họ có vài hợp đồng quan trọng với Hải quân Mỹ, đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa công ty với các lực lượng vũ trang.

Thủy phi cơ của Boeing - B&W. Ảnh: Boeing

Thủy phi cơ của Boeing - B&W. Ảnh: Boeing

Năm 1917, William Boeing đổi tên công ty thành Boeing Airplane và bắt đầu cung cấp thủy phi cơ dùng để đào tạo cho Hải quân Mỹ. Công ty sau đó bán sản phẩm thường xuyên hơn cho Hải quân và các khách hàng ngoài Mỹ.

Sau Đại suy thoái thập niên 30, William Boeing từ chức chủ tịch. Tuy vậy, công ty vẫn tiếp tục có bước tiến lớn trong việc thử nghiệm, sản xuất và bán máy bay, đặc biệt cho các lực lượng vũ trang. Đại chiến Thế giới II đã mang lại nhiều cơ hội cho Boeing. Họ sản xuất nhiều loại máy bay, từ máy bay ném bom tầm xa thử nghiệm đến Kaydet - loại máy bay hai chỗ.

Năm 1987, Boeing được đưa vào chỉ số DJIA. Khi đó, người phát ngôn của Boeing cho biết trên Washington Post rằng họ rất ngạc nhiên và vui mừng với quyết định này. "Tôi nghĩ rằng các nhân viên Boeing sẽ coi đây là tín hiệu tích cực, là sự công nhận với những gì công ty đang làm", ông nói.

Hiện tại, cổ phiếu Boeing chiếm tới 11% DJIA và là mã có diễn biến tốt nhất, theo đồng sáng lập DataTrek - Nicholas Colas. Tính đến hết tuần trước, cổ phiếu Boeing đã tăng 30% năm nay.

Nhà máy của Boeing ở Renton (Washington, Mỹ). Ảnh: AP

Nhà máy của Boeing ở Renton (Washington, Mỹ). Ảnh: AP

Năm 2018, Boeing có doanh thu hơn 100 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước đó. Hơn một nửa đến từ thị trường quốc tế.

Vì các vụ tai nạn, danh tiếng của Boeing sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Dù vậy, nếu xác nhận "cả 737 Max 8 trong tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines đều có lỗi thiết kế, vấn đề với Boeing sẽ là rất nghiêm trọng", Rico Merkert - Giảng viên Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sydney cho biết. Tổng cộng, Boeing đã nhận số đơn hàng sản xuất hơn 5.000 máy bay loại này từ hơn 80 khách hàng và mới bàn giao khoảng 350 chiếc trên toàn cầu.

Theo Yahoo Finance/Bloomberg

Bắc Ninh thu hút gần 2 tỷ USD vốn FDI trong quý 1/2025

Sáng 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp và 1 doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư mở rộng dự án với tổng số vốn gần 1,1 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc

Không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ba tháng đầu năm 2025, hai tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam và thành phố Hải Phòng tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tín hiệu khả quan từ thu hút FDI

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025 đạt 4,33 tỷ USD; tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Video