Bổ sung dự án kho tiếp nhận khí thiên nhiên hoá lỏng Hải Linh Vũng Tàu vào quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ vừa có Văn bản số 614/TTg-CN ngày 15/5/2018 chấp thuận bổ sung quy hoạch đối với dự án Kho tiếp nhận khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) vào Quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
[caption id="attachment_93806" align="aligncenter" width="640"]
Vị trí kho tiếp nhận LNG gần nhiều nhà máy nhiệt điện, khu công nghiệp lớn của cả nước
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án Kho tiếp nhận khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và tái hoá khí thiên nhiên Hải Linh Vũng Tàu quy mô 220.000 m3 (trong đó giai đoạn 1 là 120.000 m3) của Công ty TNHH Hải Linh tại Khu công nghiệp Cái Mép vào quy hoạch phát triển Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Quy hoạch và phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, đã xác định quy hoạch tại khu vực 2 kho nhập khẩu LNG: Kho Thị Vải công suất 1-3 triệu tấn/năm và Kho Đông Nam Bộ (dự kiến ở Tiền Giang) công suất 4 - 6 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, điều kiện về cảng cũng như cơ sở vật chất tại Tiền Giang không thuận lợi bằng khu vực Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Công ty TNHH Hải Linh đã có cảng 80.000 DWT và đã có mặt bằng trong Khu Công nghiệp Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ngoài ra, khu vực đề xuất dự án của Công ty TNHH Hải Linh có vị trí địa chiến lược về cảng nước sâu, luồng Vũng Tàu – Thị Vải có độ sâu 12 - 14 m, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng gần 200.000 DWT, khu vực Đông Nam Bộ tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện, có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất lớn của cả nước.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng kho tiếp nhận LNG, công suất 220.000 m2, giai đoạn 1 là 120.000 m3 phục vụ mục đích kinh doanh thương mại tại Khu vực Đông Nam Bộ và vùng phụ cận.
Nhu cầu về kho chứa LNG sẽ tăng cao
Hiện nay, Việt Nam chưa có kho chứa LNG phục vụ mục đích thương mại. Trong khi đó, các dự án kho chứa LNG có trong quy hoạch như Kho Thị Vải công suất 1 - 3 triệu tấn/năm đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư; Kho Đông Nam Bộ (dự kiến ở Tiền Giang) công suất 4 - 6 triệu tấn/năm chưa triển khai.
Ngoài ra, Việt Nam được dự báo nhập khẩu 1 triệu tấn LNG từ 2020 trở đi và tăng dần theo các năm. Dựa trên đánh giá về nhu cầu sản phẩm LNG trong báo cáo Tổng kết quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và tình hình thực tế triển khai các dự án LNG tại Việt Nam thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu trong nước nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng.
Vì vậy, nhu cầu về kho chứa LNG sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do đó, khi dự án được triển khai, ngoài việc kinh doanh thương mại theo mục đích của chủ đầu tư, dự án có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp LNG cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Vị trí lựa chọn dự án thuộc Khu công nghiệp Cái Mép, tận dụng được cảng 80.000 DWT sẵn có của Công ty, giảm thiểu được chi phí đầu tư. Đồng thời kết nối thuận lợi với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ khi vận chuyển LNG tới các hộ tiêu thụ công nghiệp bằng xe chuyên dụng.
Với những lý do trên, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ đưa vào vận hành năm 2020.
N.Lan