4 thách thức TP.HCM cần vượt qua để vực dậy nền kinh tế
Tại buổi tọa đàm Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh với tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế của thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng 0,42% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của TP.HCM từ năm 1986 đến nay.
Đi kèm với những thành quả khả quan trọng công cuộc phòng, chống Covid-19, TP.HCM chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế. Ông Phong nhận định hiện tại là khoảng thời gian cần tìm ra và làm ngay những biện pháp vực dậy nền kinh tế của địa phương, tránh những hệ lụy xấu cho các doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội.
Kêu gọi chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế
"Với vai trò là nền kinh tế đầu tàu của khu vực và cả nước, TP.HCM luôn đạt mức tăng trưởng hàng năm cao hơn cả nước từ 1,1 đến 1,2 lần. Thành phố cần tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi giải pháp để vực dậy và khôi phục phát triển kinh tế", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
![]() |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM. |
Tại buổi tọa đàm, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đã kêu gọi những ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế, hiệp hội hành nghề, đại diện các doanh nghiệp đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế. Lãnh đạo TP.HCM sẽ lắng nghe, ghi nhận và chuyển hóa thành những chỉ đạo, phương án cụ thể để duy trì sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô và tìm cơ hội phát triển sau dịch bệnh.
"Sự tác động của đại dịch nằm ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Điều quan trọng nhất lúc này là chính quyền, doanh nghiệp, người dân và toàn hệ thống chính trị phải đoàn kết một lòng, siết chặt tay nhau để vừa giữ được thành quả của TP.HCM trong phòng chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới", lãnh đạo UBND TP.HCM kêu gọi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định thành phố đang đối diện với 4 thách thức đang nổi lên trong công cuộc khôi phục, phát triển nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong cho hay thành phố cần tìm câu trả lời cho việc thị trường xuất, nhập khẩu sẽ phải làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh. TP.HCM phải tìm ra thời điểm thích hợp mở cửa phát triển du lịch quốc tế.
Đối với thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần tìm cách để vực dậy sức mua của người dân sau đại dịch trong bối cảnh người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh. Để đạt được mục đích vừa ổn định kinh tế, việc làm cho người lao động, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, TP.HCM cần những biện pháp mới và hiệu quả hơn.
"Sẽ có nhiều ý kiến, bài tham luận từ các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp gửi đến dưới các góc nhìn khác nhau nhưng tất cả nhằm mục đích cùng nhau đánh giá thực trạng, tháo gỡ khó khăn và cùng nhau bàn giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế thành phố", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị các sở, ngành tìm giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục để nhanh chóng đưa các gói hỗ trợ đến doanh nghiệp, người lao động, tìm kiếm, khai thác các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
"Đây là thời gian thành phố cần tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi giải pháp để vực dậy và khôi phục phát triển kinh tế", Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị.
Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, người lao động nghỉ việc không hưởng lương và làm việc tại các doanh nghiệp không còn doanh thu có thể được hưởng tối đa 1,8 triệu đồng/tháng trong 3 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người mất việc không có hợp đồng lao động cũng có thể được hưởng tối đa 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng.
Ngoài ra, những hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/4 có thể được hưởng mức trợ cấp trên. TP.HCM cũng hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc làm cho nhân viên.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp, hàng quán tại TP.HCM đóng cửa trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước đó, TP.HCM đã lên phương án cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đến cuối năm nay với các giải pháp giảm chi phí, giảm thuế, hỗ trợ vay vốn... để sớm ổn định sản xuất.
Cụ thể, TP.HCM sẽ hỗ trợ giảm chi phí, vốn để các doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi sau dịch Covid-19. Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, điều kiện sinh hoạt tối thiểu hàng ngày cho người lao động trên địa bàn thành phố.
Các sở ngành, quận, huyện được yêu cầu nắm bắt sát tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người lao động để kịp thời tháo gỡ. Sở chuyên ngành phải hướng dẫn cụ thể các chính sách và xây dựng bộ tiêu chí ưu tiên của từng ngành.
Tại Hội nghị lần thứ 40 của Ban chấp hàng Đảng bộ TP.HCM khóa X, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm thông tin trong quý I, TP.HCM có 1.523 doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ giải thể, tăng 54,5% so với cùng kỳ, 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 35 doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu công nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Kèm theo đó, 998 lao động tại địa bàn bị chấm dứt hợp đồng và 6.424 lao động phải tạm ngưng việc. TP.HCM dự kiến có khoảng 70.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.