"Xóa" thuế nhập khẩu linh kiện, chờ giảm giá ôtô

Doanh nghiệp ôtô phải cam kết đạt sản lượng nhất định mới được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%, do đó không có nhiều mẫu xe có thể giảm giá.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô.

Quy định có hiệu lực từ ngày 10-7. Doanh nghiệp (DN) đáp ứng các quy định thì được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% trong kỳ xét ưu đãi thuế tối đa không quá 6 tháng. Để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô 0%, các DN phải cam kết đạt sản lượng nhất định. Cụ thể, với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, DN phải đạt sản lượng sản xuất tối thiểu 8.000 xe vào năm 2018 và nâng dần lên 13.500 xe vào năm 2022. Với các mẫu xe riêng, DN phải đạt sản lượng tối thiểu 3.000 xe vào năm 2018 và 5.000 xe vào năm 2022. Như thế, chỉ một số ít công ty được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0% bởi phần lớn DN trên thị trường có quy mô và sản lượng nhỏ.

 Xóa thuế nhập khẩu linh kiện, chờ giảm giá ôtô  - Ảnh 1.

Từ ngày 10-7, thuế nhập khẩu linh kiện ôtô giảm còn 0%

Với các hãng sản xuất, lắp ráp ôtô quy mô lớn trong nước, dù có cơ hội được hưởng ưu đãi thuế nhưng đa phần đều nhận định việc ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện khó có thể tác động giảm giá xe tương ứng. Nguyên nhân bởi các hãng đã có kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho cả năm, trong đó đã có kế hoạch mua linh kiện cụ thể. Mặt khác, theo tính toán, quy định miễn thuế này cũng chỉ giúp giá thành ôtô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam giảm từ 2%-5% tùy từng sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, cho rằng cần có thời gian để quy định giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% có thể tác động đến giá xe. Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cũng nhận định tuy việc đưa thuế nhập khẩu linh kiện về 0% có ý nghĩa quan trọng đối với các hãng ôtô nhưng do trước đây, loại thuế này đã giảm khá mạnh nên mức giảm thêm sắp tới không đủ để giúp giá bán giảm nhiều như kỳ vọng. Nói cách khác, động thái xóa bỏ một số dòng thuế chỉ giúp thu hẹp một phần không lớn khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa sản phẩm lắp ráp trong nước với sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc, chưa đủ để tạo ưu thế đáng kể cho ôtô nội.

Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam, ông Phạm Văn Dũng, thừa nhận việc xóa thuế nhập khẩu linh kiện có tác động khá lớn đến chi phí sản xuất ôtô trong nước. Tuy nhiên, với quy mô thị trường quá nhỏ, sản lượng thấp, giá thành sản xuất vẫn còn quá cao, việc giảm thuế nhập khẩu kinh kiện khó giúp giá xe giảm nhiều. Chỉ khi nào quy mô thị trường và sản lượng đủ lớn thì mới hy vọng kéo giá xe giảm xuống mức tương đương như các nước trong khu vực.

Trong khi đó, một sắc thuế khác có ảnh hưởng rất lớn đến giá xe là thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, loại thuế này chiếm 35%-40% trong giá bán mỗi chiếc xe hơi. Do vậy, các DN cho rằng miễn, giảm được loại thuế này sẽ có ý nghĩa giảm giá ôtô lắp ráp trong nước nhiều hơn so với thuế nhập khẩu linh kiện.

Mặt khác, việc thuế nhập khẩu linh kiện được đưa về 0% cũng gây quan ngại về việc các hãng xe sẽ cắt giảm sử dụng nguồn linh kiện trong nước sản xuất và chuyển sang nhập khẩu để hưởng lợi. Điều này dễ hiểu bởi khả năng của linh kiện sản xuất trong nước chưa cao khi chi phí sản xuất cao hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia khoảng 15%-20%. Sắp tới, khi thuế nhập khẩu linh kiện được xóa bỏ, chênh lệch giá giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu sẽ càng lớn hơn. Hậu quả kéo theo là linh kiện sản xuất trong nước khó có thị trường tiêu thụ dẫn đến hạn chế giảm giá thành và càng khó cạnh tranh. Tuy vậy, xu hướng này nếu có cũng sẽ không diễn ra ngay trong năm 2020 bởi các hãng lắp ráp ôtô đều đã có kế hoạch, chiến lược rõ ràng về nguồn linh kiện phục vụ sản xuất trong cả năm.

Theo Nguyễn Hải (Người Lao động)

Lần thứ ba Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005: Văn hóa luôn là một trong những trụ cột của phát triển bền vững tại Việt Nam

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, sự bùng nổ của internet, các phương tiện truyền thông… là điều kiện thuận lợi diễn ra quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh cơ hội quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc, toàn cầu hóa đem đến tác động tiêu cực đối với những giá trị truyền thống cũng như làm gia tăng tính ngoại lai trong hoạt động và dịch vụ văn hóa.

Nam A Bank tiếp tục đồng hành TOP 2 Miss Cosmo Vietnam 2025 trên hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng

Với vai trò Ngân hàng chính thức của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2025 – Miss Cosmo Vietnam 2025, Nam A Bank đã trao tặng thẻ tín dụng Nam A Bank Visa Platinum đến Tân Hoa hậu, Á hậu, các giải thưởng phụ và Top 5 chung cuộc. Đồng thời, Ngân hàng sẽ tiếp tục sát cánh cùng tân Hoa hậu, Á hậu trên hành trình đương nhiệm sắp tới.

Phát triển công nghiệp văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam

Âm nhạc dân tộc Việt Nam là một tiềm năng kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa bằng nhiều sự kiện hấp dẫn trong và ngoài nước. Để lan tỏa, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của 54 dân tộc anh em, hiện có nhiều liên kết giữa các tỉnh, địa phương, lớn hơn là Việt Nam và quốc tế.

Thúc đẩy du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh

Điện ảnh có vai trò như một “sứ giả văn hóa và du lịch” - không chỉ truyền tải vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử, con người, mà còn thúc đẩy đối thoại, hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.

Video