“Siết” kiểm tra xuất xứ hàng hóa
Sau vụ Khaisilk, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa.

Yêu cầu siết chặt kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa
Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa, thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP cùng các công văn hướng dẫn khác của Bộ Tài chính.
Đồng thời, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục chủ động chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các trường hợp có nghi vấn liên quan đến khai báo xuất xứ, các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa như: Không phù hợp thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O và thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa (tên hàng, tên và địa chỉ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ, mã vạch...).
Đặc biệt, khi phát hiện có vi phạm về xuất xứ, nhãn hàng hóa, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có báo cáo kèm hồ sơ liên quan về Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan.
Trách nhiệm ghi nhãn khi đưa hàng hóa ra lưu thông
Theo Tổng Cục Hải quan, đối với hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước, tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định tổ chức, cá nhân khi đưa hàng hóa ra lưu thông phải chịu trách nhiệm ghi nhãn. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định hiện hành.
Thực tiễn, Luật Hải quan đã quy định, cơ quan Hải quan xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên cơ sở kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp chứng từ, tài liệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu được thông quan theo quy định.
Ngoài ra, liên quan đến ghi nhãn hàng hóa, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP có quy định rõ các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ đảm bảo ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất hàng hóa.