“Nỗi niềm” của Samco
“Tôi mong muốn Samco dẫn đầu trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo ngành giao thông vận tải nhưng điều tôi kỳ vọng hơn cả là một ngành ôtô của người Việt, dù rằng điều đó một mình Samco không thể làm được” – đó là “nỗi niềm” của doanh nhân Trần Quốc Toản, TGĐ TCty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn khi chia sẻ với DĐDN.
Từ một xưởng sửa chữa nhỏ, sau 40 năm hình thành và phát triển, hiện nay, SAMCO đang đi đầu trong các dòng sản phẩm xe buýt, xe khách và các loại xe chuyên dùng. TCty cũng đang đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất các dòng xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, điện nhưng với ông Toản, những cố gắng của Samco là chưa đủ.
[caption id="attachment_39994" align="aligncenter" width="588"]
“Nội địa hóa”, một cánh én không đem lại mùa xuân
– Là một trong những DN hàng đầu trong ngành công nghiệp cơ khí giao thông, ông nhận định gì về ngành công nghiệp này?
Việt Nam thiếu thời gian, sự phát triển công nghiệp phụ trợ và thị trường để có công nghiệp ôtô. Đến nay, dung lượng thị trường vẫn chưa đủ lớn, chúng ta chưa có công nghiệp phụ trợ, giá xe trong nước vẫn cao hơn thế giới 20% và thời gian thì càng không có. Tuy nhiên, dân số 90 triệu của Việt Nam là rất lý tưởng, tăng trưởng kinh tế ổn định là môi trường tốt cho phát triển ôtô.
Tuy nhiên, nói riêng về Samco, những năm qua, tỉ lệ nội địa hóa các dòng xe ô tô do Samco (TCty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn) sản xuất đã đạt khoảng 43%. Năm 2016 này, Samco quyết đẩy tỉ lệ đó lên trên 50%, trong năm 2016, Samco sẽ đầu tư thêm nhà máy sản xuất ôtô và công nghiệp hỗ trợ với tỉ lệ nội địa hóa cao, cùng TP xây dựng thành công khu công nghiệp cơ khí ôtô ở Củ Chi… Và tôi tin, chỉ cần thời gian, ngành công nghiệp ôtô của chúng ta cũng sẽ đủ sức phát triển.
– Tuy nhiên, thời gian còn lại khi mở cửa 2018 còn quá ngắn, theo ông, các DN ngành ô tô cần làm gì?
Các chính sách của chính phủ phải ổn định và dài hơi để cho các DN đầu tư vào sản xuất ôtô và hỗ trợ ngành ôtô thu hồi được vốn và phát triển theo thị trường tiềm năng hơn 90 tr dân ,……từ đó mới hình thành đươc nền công nghiệp ô tô của VN, mục đich tham gia được chuỗi cung toàn cầu của ngành ô tô thế giới ….
– Lấy ví dụ từ Samco, sau hơn mười năm hoạt động theo mô hình Cty mẹ – Cty con, Samco đã thực sự phát huy các thế mạnh của mình đến đâu?
Sau hơn 10 năm hoạt động theo mô hình Cty mẹ – Cty con, TCty cơ khi giao thông vận tải Sài Gòn có 25 đơn vị thành viên với gần 8.000 người lao động. Tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 20% , nộp ngân sách toàn TCty 2016 dự kiến là 4.869 tỷ đồng, bảo toàn và phát triển vốn từ 722 tỉ lên 1796 tỉ VND.
TCty đã đầu tư các nhà máy sản xuất và lắp ráp ôtô du lịch, ôtô tải liên doanh với Hãng Mercedes benz , ISUZU … Riêng Cty mẹ đã đầu tư các nhà máy sản xuất xe khách, xe buýt và các loại xe chuyên dụng như: Xe ép rác, xe chữa cháy, xe tưới rửa đường…
Hiện, TCty đang hướng tới mục tiêu đầu tư và kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp cơ khí ô tô TP HCM nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ôtô cho TP HCM và khu vực phía nam, đồng thời thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành nhà sản xuất ôtô thương mại hàng đầu của Việt Nam với thương hiệu Samco.
Bên cạnh đó, TCty còn đầu tư các dự án phát triển mảng dịch vụ theo chủ trương thay đổi cơ cấu ngành nghề của TP sang thương mại dịch vụ không sử dụng nhiều lao động. Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiên liệu xanh sạch CNG, Điện ….với mục đích bảo vệ mội trường và mục tiêu phát triển bền vững .
Mạo hiểm để… thành công
– Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, các DN đặc biệt các DN trong ngành cơ khí, công nghiệp… gặp không ít khó khăn. Từ kinh nghiệm của Samco, theo ông đâu là “đối sách” tốt nhất để vượt qua khó khăn?
Từ thực tế của Samco, để vượt qua khó khăn, thách thức chúng tôi luôn lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động.
Từ định hướng này, tất cả cán bộ công nhân viên Tcty đoàn kết một lòng nhằm cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ với chất lượng tốt nhất, mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng . Chúng tôi xem thị trường là cơ hội mà cũng là thách thức để đưa ra các đối sách phù hợp từng lúc, từng nơi với phương châm ngày càng mang thêm giá trị gia tăng cho khách hàng, đồng hành và chia sẻ cùng với khách hàng. Khách hàng chọn sản phẩm của Samco hoàn toàn an tâm về chất lượng cũng như hệ thống hậu mãi chu đáo cho đến hết vòng đời sản phẩm. Khách hàng chọn Samco là bằng chứng cho sự khẳng định vị trí và uy tín của Samco trên thị trường.
– Nhưng nhiều chuyên gia quản trị thế giới cho rằng, nhân viên phải được coi là khách hàng, đối tác, thưa ông?
Samco với triết lý kinh doanh coi con người là tài sản quí nhất, là người quyết định thành bại của DN, tạo nên những thành quả tuyệt vời trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại sự thịnh vượng cho tập thể và cá nhân và cộng đồng xã hội. Samco luôn coi trọng lợi ích của cán bộ công nhân viên, lấy lợi ích của mọi người làm kim chỉ nam để tạo nên các giá trị phát triển bền vững, hướng đến một xã hội VN an toàn, văn minh và hiện đại. Chúng tôi luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, không những cho nhu cấu trước mắt mà còn cho nhu cầu tương lai gần khi mà cả nước tiến đến hội nhập toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Hàng năm, TCty đã đầu tư đào tạo và đào tạo lại cho hơn 4. 000 lượt cán bộ công nhân viên với kinh phí gần 4 tỷ đồng.
– Trở lại với khả năng quản trị, được đánh giá là một doanh nhân có duyên trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, vậy ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm khi hợp tác với các DN, đối tác nước ngoài?
Kinh nghiệm trong hợp tác với các đối tác được chúng tôi đúc rút không chỉ với đối tác nước ngoài mà cả các đối tác trong nước. Chúng tôi luôn tâm niệm, ngoài mục đích win – win cho các bên thì phải chủ động trao đối bàn bạc chiến lược phát triển trong đó nhấn mạnh đến khâu chuyển giao công nghệ, vì chỉ có công nghệ mới mang lại chất lượng sản phẩm cũng như năng suất cao. Chỉ có khoa học công nghệ mới mang lại giá trị thực sự cho DN, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
– Ông quan niệm thế nào về sự mạo hiểm của doanh nhân?
Là doanh nhân chắc chắn có mạo hiểm, tuy nhiên sự mạo hiểm đó đòi hỏi phải được trang bị kiến thức cũng như các cơ sở khoa học dự báo chứ không liều lĩnh. Bởi DN ngoài trách nhiệm phục vụ xã hội còn phải lo toan cho đội ngũ cán bộ nhân viên tại DN đó. Từ thực tế của DN, từ kinh nghiệm liên kết hợp tác với các đối tác, tôi cho rằng, việc nghiên cứu và lập kế hoạch thật kỹ để đến khi thực hiện sẽ tránh được rủi ro …
– Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Lan Theo DĐDN