'Hành chính phục vụ': Cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết - Ảnh: VGP
Chính phủ chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân. Hội nghị sẽ đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025.
TTHC trên môi trường điện tử để thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi
Chia sẻ về công tác cải cách TTHC thời gian qua, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết, để hiện thực hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Nhiều Chương trình cải cách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, như Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021), trong đó yêu cầu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Theo Chương trình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020) được ban hành với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm. Chương trình đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và sớm đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết. Giao VPCP chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án phân cấp các TTHC cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực thi các phương án phân cấp được phê duyệt.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ tháng 3/2022- Ảnh: VGP
Giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC
Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Theo đó, các bộ, cơ quan này sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 188 văn bản quy phạm pháp luật.
Sau quá trình xây dựng, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đây là công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, nơi tập trung thông tin, dữ liệu các quy định kinh doanh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, theo dõi, đánh giá và là kênh tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp trong tham vấn chính sách, quy định.
Đến nay, tại Cổng tham vấn đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.
Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%), theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản.
Ông Ngô Hải Phan cho biết, VPCP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án phân cấp nêu trên và tổ chức thực thi trong giai đoạn 2022-2025, sẽ giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.