"Cuộc chiến" taxi: Ai sẽ cán đích đầu tiên?

Đã tới lúc các hãng taxi truyền thống nên gác lại những tranh luận với Uber, Grab để tập trung vào chuyện làm ăn.

Thời gian thí điểm hợp đồng điện tử trong kinh doanh vận tải hành khách sẽ kết thúc vào tháng 1/2018. Chưa biết chắc sẽ có gì sau đó, nhưng lúc này, người dùng chỉ cần biết được hưởng lợi gì khi bước lên xe.

Trả lời của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ vừa phải nhắc lại việc đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thời gian thí điểm được khẳng định rõ ràng là 2 năm, tính từ tháng 1/2016. Việc thí điểm này áp dụng với tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.

Cơ sở của quyết định này là Luật Giao dịch điện tử. Mục đích được người đứng đầu Chính phủ xác định là đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Đây là một số nội dung trong văn bản Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber.

Đầu tháng 7/2017, ông Dương Trung Quốc đã gửi chất vấn tới lãnh đạo Chính phủ về chủ trương của Chính phủ cho phép thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab, Uber. Lý do, ông lo ngại chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông.

Với Grab, Uber được hoạt động thử nghiệm, số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay xe hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội (con số Grab, Uber khó kiểm soát vì nó “tàng hình” khó biết con số cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động). Từ đó nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của Nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông”, ông Quốc viết trong văn bản chất vấn lãnh đạo Chính phủ.

Kiến nghị trên của ông Quốc khi đó đã nhóm lên những tranh luận nẩy lửa về cách ứng xử của quản lý Nhà nước với hình thức kinh doanh mới xuất hiện. Nhưng cũng ý kiến cho rằng, ông Quốc “thiên vị” doanh nghiệp taxi truyền thống, chưa nhìn nhận hết lợi ích mà người tiêu dùng đang nhận được từ mô hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, với phần trả lời của Thủ tướng, sẽ không ai hưởng lợi riêng từ quyết định này, dù là taxi công nghệ hay truyền thống. Vấn đề ở đây là cách thức tận dụng cơ hội kinh doanh mới.

Ngay trong văn bản trả lời ông Dương Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã điểm danh 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ này, trong đó có những thương hiệu taxi truyền thống nổi danh như Vinasun, Mai Linh. Chắc chắn con số này chưa dừng lại, khi mà người tiêu dùng đang dành nhiều ưu ái cho hình thức taxi công nghệ. Thủ tướng cũng cho rằng, đây là quy luật tất yếu, nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện an toàn…

Vẫn còn ấm ức

Mặc dù không thể phủ nhận những thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam khi Chính phủ cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, đồng nghĩa với việc đặt các doanh nghiệp Việt vào thế buộc phải cạnh tranh.

Dù cách thức mới không phải toàn tuyệt vời, vẫn có tồn tại về cách thức phát triển, vận hành, nhưng có vẻ như một số thương hiệu taxi truyền thống vẫn đang loay hoay, thậm chí ấm ức trong cuộc chơi mới. Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 không mấy vui. Doanh thu nửa đầu năm nay chỉ đạt 1.903 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm tới 16%. Tương tự, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng qua của ông lớn taxi nội địa này chỉ đạt 128 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, các số liệu của Vinasun cho thấy, công ty đã cắt giảm hợp đồng chính thức với gần 8.000 người, giảm lượng nhân sự từ 17.160 hồi đầu năm xuống chỉ còn 9.179 tính đến cuối quý II/2017.

Thực ra, đây cũng không phải là tin quá sốc khi thương hiệu này tuyên bố chuyển sang mô hình cho thuê xe thay vì phân chia phí taxi. Nghĩa là, thay vì sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe, mô hình mới là lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định, nghĩa là lái xe không là nhân viên của Vinasun. Có thể thấy, Vinasun đang thay đổi rất lớn, mong tìm được cách chơi mới. Hai năm trước, vào năm 2015, Vinasun cũng đã đưa vào ứng dụng gọi xe Vinasun Taxi (Vinasun App.). Tuy nhiên, hẳn nỗi ấm ức với sự xuất hiện của Grab, Uber vẫn chưa nguôi ngoai và kết quả kinh doanh của Vinasun vẫn chưa nhìn thấy điểm sáng mới.

Không chỉ Vinasun, Mai Linh cũng từng nhắc tới Uber và Grab như những kẻ tội đồ khiến công ty này trải qua đầy khó khăn trong năm 2016. Dù không chọn cách khiếu kiện Uber và Grab như cách Vinsasun đã làm, nhưng ông Hồ Huy, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cũng không ngồi yên nhìn thị trường bị chia sẻ.

Tuy nhiên, chính ông Huy cũng nhìn nhận, vấn đề cốt lõi vẫn là thay đổi chính mình, học tập từ những đối thủ. Mặc dù cũng đã áp dụng các ứng dụng gọi xe từ năm 2005, nhưng mới đây Mai Linh cho biết, đang chuẩn bị đưa ra những ứng dụng mới tiện ích hơn. Nhiều chiến lược kinh doanh mới, đầy tham vọng cũng được thương hiệu gần 25 tuổi này đưa ra, mong tìm lại thời hoàng kim xưa.

Theo kế hoạch Tập đoàn Mai Linh trình đại hội đồng cổ đông, doanh thu thuần năm 2017 của tập đoàn dự kiến là 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2017 là 68 tỷ đồng. Dù mức tăng không nhiều so với kết quả kinh doanh của năm 2016, lần lượt 2% và 11%, nhưng dẫu sao cũng là tin tốt trong bối cảnh hiện tại.

Có thể sau tháng 1/2018, khi thời điểm thí điểm kết thúc, sẽ có những chính sách mới liên quan đến thị trường vận tải hành khách, thời khắc quyết định cho cả người tiêu dùng và giới hoạch định chính sách. p

7 đơn vị của Việt Nam cung ứng dịch vụ tương tự Grab và Uber * Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun * Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội * Công ty CP Sun Taxi * Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao * Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển * Công ty CP Tập đoàn Mai Linh * Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang
Tags:

“Phép thử” với doanh nghiệp Việt Nam

Dữ liệu là “mỏ vàng” của nền kinh tế số và cần có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt khi việc khai thác đang ngày càng mở rộng, đòi hỏi doanh nghiệp cần sớm thiết lập nền tảng vững chắc để bảo vệ.

Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video