Ngành ngân hàng “ra quân” kết nối doanh nghiệp

Qua chuỗi hội nghị trên toàn quốc, ngành ngân hàng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tìm tiếng nói chung cùng khôi phục sản xuất kinh doanh sau Covid-19.

Ngành ngân hàng “ra quân” kết nối doanh nghiệp

Sau thời điểm gỡ "giãn cách xã hội", đời sống người dân và hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước trở lại với bối cảnh "bình thường mới", Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức chuỗi hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại nhiều địa bàn trên cả nước.

Chuỗi hội nghị này nhằm tạo kết nối giữa ngành ngân hàng, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên các địa bàn, cùng hướng tới mục tiêu lắng nghe ý kiến từ thực tế, tìm hướng xử lý các vướng mắc phát sinh, tăng khả năng tiếp cận vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, từ thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng đầu năm đến nay, khó khăn từ cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp đang bộc lộ, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đó là tăng trưởng tín dụng ở vùng thấp nhất trong 5 năm qua. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo vừa công bố, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc cho đến hết quý II này, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung bị suy giảm.

Cùng đó, triển khai Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, một trong những giải pháp hỗ trợ trọng điểm cho doanh nghiệp là cơ cấu lại nợ, khi đi vào thực tế có những vướng mắc nhất định.

Qua việc "ra quân" tổ chức các hội nghị nói trên, ngành ngân hàng muốn trực tiếp nắm bắt và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời hơn, để góp phần tạo động lực phục hồi cho sản xuất kinh doanh.

Sau khi tổ chức tại Hà Nội, chuỗi hội nghị trên cũng đã diễn ra tại Bình Dương, An Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…

Tại một hội nghị gần đây, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhận thức rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay khi bắt đầu có dịch, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, chương trình hành động của ngành ngân hàng triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Ông Sơn cho biết, sau gần hai tháng triển khai quyết liệt, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng đang có dư nợ, tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất kinh doanh...

Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ  gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch.

Qua chuỗi hội nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với các tổ chức tín dụng.

Đó là, quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Chỉ thị 02/CT-NHNN theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước, trong và sau khi dịch kết thúc.

Các tổ chức tín dụng chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời, xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm.

Qua thực tiễn, các tổ chức tín dụng kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai.

Theo Minh Đức (BizLive)

Tín dụng có tín hiệu tăng tốc trở lại

Tín dụng tại cuối tháng 3 tăng lên đạt 0,6%, từ mức 0,25% tính đến 25/3, và từ mức âm 1% của 2 tháng đầu năm. Tín hiệu "quay xe" để tăng nhu cầu hấp thụ vốn trở lại đang khó rõ.

Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế

Vàng được xem là lớp tài sản phòng thủ nhưng nếu chúng ta mua vàng quá nhiều thì nền kinh tế sẽ giống như việc “đi ra cao tốc mà bị đạp phanh”, vì vậy cần có giải pháp ổn định từ các cơ quan quản lý.

Giải bài toán tăng trưởng tín dụng cách nào?

Để đối phó với khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng, cần nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, mở rộng cơ hội cho vay tín chấp, kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế...

Cần thời gian để ổn định thị trường vàng

Thị trường vàng là một mảnh ghép đặc biệt của thị trường tài chính, tiền tệ. Do nhu cầu quá lớn dẫn đến áp lực tương đối cao, nên chúng ta cần có thời gian để điều chỉnh.

Video